Chiến sự Nga – Ukraine: Những thiệt hại bất ngờ, ngoài dự kiến với kinh tế ASEAN

12/03/2022 17:04 GMT+7
Châu Âu có vị trí rất quan trọng đối với ASEAN, chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả khối, riêng đối với Việt Nam là hơn 11%. Kinh tế châu Âu suy thoái sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến ASEAN trên các mặt xuất khẩu, FDI, du lịch và tăng trưởng.

Chiến sự Nga – Ukraine: Ảnh hưởng sâu sắc đến ASEAN

Nhóm các nhà nghiên cứu của Ngân hàng Maybank vừa phát hành báo cáo nghiên cứu kinh tế ASEAN với tựa đề "War and Sanctions: The Collateral Damage on ASEAN", tạm dịch "Chiến tranh và cấm vận: Thiệt hại ngoài dự kiến đối với ASEAN". 

Trong đó, mặc dù thương mại giữa ASEAN và Nga chỉ chiếm 0,4% tổng kim ngạch cả khối ASEAN trong năm 2021. Xét giá trị, các nước xuất khẩu nhiều nhất vào Nga là Việt Nam (3,2 tỷ USD), Indonesia (1,5 tỷ USD) và Thái Lan (1 tỷ USD) trong khi nước nhập khẩu nhiều nhất từ Nga là Singapore (3,3 tỉ USD) và Việt Nam (2,2 tỷ USD). Thái Lan và Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều do biến động nhu cầu của phía Nga.

Lệnh cấm vận của Mỹ có thể tác động một số sản phẩm (xuất khẩu chip máy tính của Singapore và Malaysia; thiết bị dẫn đường từ Singapore; nhập khẩu máy bay Nga của Thái Lan). Ngoài ra, thiếu hụt một số chất như Palađi (palladium), khí neon cũng có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất bán dẫn ở Singapore và Malaysia.

Chiến sự Nga – Ukraine: Những thiệt hại bất ngờ, ngoài dự kiến với kinh tế ASEAN - Ảnh 1.

Xuất nhập khẩu giữa các nước ASEAN với Nga

Ngược lại, châu Âu có vị trí rất quan trọng đối với ASEAN, chiếm 9% tổng kim ngạch xuất khẩu cả khối, riêng đối với Việt Nam và Philippines là hơn 11%. Kinh tế châu Âu suy thoái sẽ có ảnh hưởng sâu sắc đến ASEAN trên các mặt xuất khẩu, FDI, du lịch và tăng trưởng.

Và dù Việt Nam có thể hưởng lợi từ một số dòng thương mại chuyển hướng từ Nga do hai bên có mối quan hệ lịch sử lâu dài nhưng lệnh cấm liên quan hệ thống SWIFT sẽ làm đứt gãy thanh toán và tạo lập thương mại nội khối ASEAN.

Về du lịch, Thái Lan sẽ là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất. Bởi Nga là một trong những nguồn khách du lịch quan trọng nhất đến Thái Lan. Nhiều du khách Nga đang phải bỏ các chuyến đi do đồng rúp mất giá, các chuyến bay bị huỷ và chuyển tiền khó khăn. Bên cạnh đó, các chuyến bay từ và đến châu Âu lâu hơn, tốn chi phí hơn do phải vòng né không phận Nga cũng khiến lượng khách giảm, dứt gãy chuỗi cung ứng. Khách châu Âu chiếm tỉ trọng cao nhất trong tổng du khách quốc tế đến Thái Lan (chiếm 17%).

Chiến sự Nga – Ukraine: Những thiệt hại bất ngờ, ngoài dự kiến với kinh tế ASEAN - Ảnh 2.

Các chuyến bay từ và đến châu Âu lâu hơn, tốn chi phí hơn do phải vòng né không phận Nga cũng khiến lượng khách châu Âu giảm, dứt gãy chuỗi cung ứng

Đầu tư FDI, Việt Nam được cho là nước chịu ảnh hưởng lớn nhất trong khối ASEAN. Theo đó, các công ty dầu và khí hàng đầu của Nga đã ký một số thoả thuận hợp tác với tập đoàn PetroVietnam và PetroVietnam không có mấy hoạt động tại thị trường Nga. Ảnh hưởng lớn nhất lại đến từ việc kinh tế châu Âu suy thoái sẽ ảnh hưởng lớn đến dòng vốn FDI từ 27 nước thành viên EU đến ASEAN, hiện chiếm tỉ trọng 11% tổng luồng FDI vào khối, trong đó có Việt Nam. 

Kinh tế toàn cầu suy giảm – Thiệt hại ngoài dự kiến ASEAN

Theo các nhà nghiên cứu của Maybank, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, lệnh cấm vận của phương Tây sẽ khiến kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng và đứt gãy chuỗi cung ứng.

Nga có thể là nước không lớn về quy mô GDP (khoảng 1,6 nghìn tỷ USD) nhưng lại là nước xuất khẩu chủ lực về năng lượng, thực phẩm và kim loại. Nga chiếm tỉ trọng 17% về khí tự nhiên, 16% than đá và 11% dầu mỏ trong tổng xuất khẩu toàn cầu các mặt hàng này. Cả Nga và Ukraine đều là các nước xuất khẩu chủ chốt về bột mì và dầu hoa hướng dương. Ngoài ra, Nga cũng cung cấp phần lớn các kim loại công nghiệp như niken, nhôm và palađi. Bên cạnh đó, Nga và Belarus là các nước xuất khẩu lớn về kali cacbonat, được sử dụng trong phân bón.

Châu Âu đối mặt rủi ro khủng hoảng vì lệ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Châu Âu nhập khẩu khoảng ¼ lượng dầu thô và 40% lượng khí từ Nga. Các nước nhập khẩu năng lượng lớn từ Nga là Hungary, Cộng hoà Czech, Latvia, Slovakia, Ý và Đức. Cân đối tài khoá tại nhiều nước châu Âu vốn dĩ đã rất căng thẳng do chi tiêu phòng chống dịch Covid-19 nên dư địa tăng chi rất hạn hẹp. Một số ngân hàng ở Pháp (Societe Generale), Ý (UniCredit) và Áo (Raiffeisen) có hoạt động ở Nga và lệnh cấm vận lên Ngân hàng Trung ương, các ngân hàng Nga sẽ dẫn đến tình trạng vỡ nợ, đóng băng thanh khoản.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, giá hàng hoá tăng gây nên tác động không đồng đều đến ASEAN. Tăng trưởng GDP của Singapore, Thái Lan, Philippines và Việt Nam dự báo sẽ rủi ro hơn nhiều so với các nước xuất khẩu hàng hoá như Malaysia (dầu, khí, dầu cọ) và Indonesia (khí, than đá và dầu cọ).

Thái Lan, Philippines và Việt Nam đều là những nước nhập khẩu ròng dầu và khí nên sẽ phải đối mặt rủi ro từ chi phí nhập khẩu năng lượng tăng, làm xấu đi cán cân vãng lai.

Các nước ASEAN với chính sách trợ cấp xăng dầu (Malaysia, Indonesia và Thái Lan) sẽ phải đối mặt gánh nặng tài khoá và có thể sẽ phải nâng giá xăng dầu tiệm cận giá thị trường, hệ quả là tạo nên cú sốc lạm phát và nâng lãi suất. Giá xăng dầu ở Indonesia cho thấy dấu hiệu này khá rõ.

Dự báo tăng trưởng kinh tế điều chỉnh giảm và lạm phát điều chỉnh tăng. Mức độ điều chỉnh phụ thuộc vào tình hình xung đột tại Ukraine; phạm vi và mức độ các lệnh cấm vận; khủng hoảng hàng hoá và giá cả.

Thanh Giang
Cùng chuyên mục