Chứng khoán biến động dữ dội, tỷ phú Việt 'bốc hơi' 8 tỷ USD
Như danh sách Forbes công bố tháng 3/2022, Việt Nam có 7 tỷ phú USD, gồm: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Nova Group Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang. Trong đó, ông Bùi Thành Nhơn lần đầu góp mặt trong bảng xếp hạng, giá trị tài sản ròng của ông tính tới ngày 4/4/2022 là 2,9 tỷ USD.
Tính đến hết phiên giao dịch cuối cùng của năm 2022 (ngày 30/12), trong vòng 1 năm VN-Index giảm mạnh 35%, tài sản của tỷ phú Việt cũng lao dốc mạnh. Ông Bùi Thành Nhơn không còn nằm trong bảng xếp hạng tỷ phú USD của Forbes.
Hồi đầu năm, theo Forbes, lãnh đạo Nova Group sở hữu khối tài sản ròng lên tới 2,9 tỷ USD và là người giàu thứ 4 tại Việt Nam. Tính đến ngày 10/11, tài sản ròng của Chủ tịch Nova Group chỉ còn 978,2 triệu USD. Sau khi mất vị trí tỷ phú, Forbes đã dừng cập nhật tài sản của ông Nhơn.
Cổ phiếu NVL là tâm điểm thị trường chứng khoán trong những tháng cuối năm, khi có hàng chục phiên liên tục giảm sàn, mất thanh khoản. NVL giảm giá 84% chỉ trong 1 năm, kết phiên 30/12 ở mức thấp nhất năm (14.000 đồng/cổ phiếu).
Quay lại xếp hạng của Forbes, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng vẫn dẫn đầu danh sách người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản 4,1 tỷ USD. Tuy nhiên, so với giá trị tài sản ròng ước tính hồi đầu năm khoảng 6,2 tỷ USD, vị tỷ phú này đã mất tới 2,1 tỷ USD, tương đương mức giảm ròng 25% tài sản trong năm nay.
Năm qua, cổ phiếu VIC của Vingroup lao dốc 43% xuống 53.800 đồng/cổ phiếu. Các mã còn lại trong họ Vingroup cũng giảm mạnh: VHM giảm giá gần 40%, xuống 48.000 đồng/cổ phiếu; VRE giảm 12% xuống 26.300 đồng/cổ phiếu.
Phương pháp được Forbes lựa chọn là đánh giá quy mô tài sản của một cá nhân dựa vào giá cổ phiếu và tỷ giá hối đoái tại thời điểm tương ứng. Giá trị cổ phần đại chúng của các cá nhân được cập nhật 5 phút một lần khi thị trường chứng khoán tương ứng mở cửa (sẽ có độ trễ 15 phút đối với giá cổ phiếu).
Đứng thứ hai trong xếp hạng tỷ phú Việt Nam của Forbes là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air. Tính hết năm 2022, bà Thảo sở hữu khối tài sản 2,3 tỷ USD, giảm 800 triệu USD (-25%) so với đầu năm. Năm qua, cổ phiếu VJC giảm 14%, xuống 109.500 đồng/cổ phiếu. HDB giảm mạnh hơn, “bốc hơi” 35%, xuống 15.950 đồng/cổ phiếu.
Người tiếp theo trong xếp hạng Forbes là ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Techcombank - sở hữu 1,6 tỷ USD, giảm 700 triệu USD, tương ứng 30% so với đầu năm. Năm qua, cổ phiếu TCB giảm gía tới 48%, hiện ở mức 25.850 đồng/cổ phiếu.
Đứng thứ 4 trong danh sách của Forbes là ông Trần Đình Long. Tài sản của chủ tịch Hòa Phát tăng ước đạt 1,6 tỷ USD vào cuối năm 2022. Năm qua, cổ phiếu quốc dân HPG để mất 48% thị giá, hiện ở mức 18.000 đồng/cổ phiếu. Hồi tháng 11/2022, HPG từng giảm về đáy 12.100 đồng/cổ phiếu.
Cũng có tổng tài sản cuối năm 2022 vào khoảng 1,5 tỷ USD theo ước tính của Forbes, tỷ phú Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) và gia đình giảm 100 triệu USD, tức 7% trong năm qua. HNG “bốc hơi” 66% thị giá chỉ qua 1 năm. Hiện, HNG đang ở giá “trà đá” 4.160 đồng/cổ phiếu.
Người cuối cùng trong danh sách tỷ phú Việt của Forbes là Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang. Các cổ phiếu trong hệ sinh thái Masan, cũng như TCB đồng loạt giảm giá, khiến tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang bốc hơi 500 triệu USD, tương ứng 26% trong năm qua. Hết năm, tài sản của ông Quang ước tính khoảng 1,4 tỷ USD. Năm qua, MSN giảm gía 34%, xuống còn 93.000 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, trong chưa đầy một năm, 7 tỷ phú USD của Việt Nam đã mất xấp xỉ 8 tỷ USD. Hiện tổng tài sản của 6 tỷ phú USD còn lại trong danh sách vào khoảng 12,3 tỷ USD.