Chứng khoán Mỹ giảm mạnh khi Bộ Thương mại công bố dữ liệu kinh tế tháng 3 ảm đạm

16/04/2020 08:59 GMT+7
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên giao dịch 15/4 sau phiên tăng hôm thứ Ba sau khi Bộ thương mại Mỹ công bố dữ liệu doanh số bán lẻ giảm kỷ lục trong tháng 3.
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh khi Bộ Thương mại công bố dữ liệu kinh tế tháng 3 ảm đạm - Ảnh 1.

S&P 500 trên đường dò đáy

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 445,41 điểm, tương đương 1,9%, xuống 23.504,35 điểm. Chỉ số S & P 500 giảm 2,2% xuống còn 2.783,36 điểm trong khi Nasdaq Composite giảm 1,4% xuống mức 8.393,18 điểm. Đây là phiên giảm tồi tệ nhất của Dow Jones và S&P 500 từ đầu tháng 4 đến nay.

Cổ phiếu Bank of America đóng cửa thấp hơn 6% sau khi công bố báo cáo tài chính quý I đáng thất vọng với lợi nhuận giảm 45% do dự báo khoản vay rủi ro tăng lên 3,6 tỷ USD. Cổ phiếu Goldman Sachs đã giảm hơn 3% khi báo cáo lợi nhuận giảm 46% trong quý I. Cổ phiếu Citigroup cũng giảm hơn 5% do lợi nhuận giảm 46%, tương tự như Goldman Sachs. Các ngân hàng lớn đang báo cáo lợi nhuận giảm 40% khi họ giành hàng tỷ USD để dự trù bù đắp cho những khoản vay, khoản tài trợ tín dụng rủi ro do đại dịch Covid-19. Cổ phiếu lĩnh vực năng lượng, tài chính đều giảm hơn 4% đưa S&P 500 tụt dốc.

Chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ giảm 8,7% trong tháng 3, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1992 đến nay.

Quincy Krosby, chiến lược gia thị trường tại Prudential Financial nhận định: “Có vẻ như doanh số bán lẻ giảm kỷ lục là dấu hiệu báo trước những gì đang diễn ra trong nền kinh tế Mỹ… Câu hỏi đặt ra là nền kinh tế sẽ hồi phục ra sao (sau những tuần phong tỏa kéo dài”.

Theo dữ liệu của Bộ Thương mại, doanh số bán các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm tại cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc đã tăng mạnh trong tháng 3 nhưng không thể bù đắp doanh số các lĩnh vực khác gồm ô tô, thời trang, kinh doanh nhà hàng quán bar hay xăng dầu giảm mạnh do lệnh phong tỏa của các tiểu bang.

Lĩnh vực sản xuất của New York cũng giảm mạnh nhất trong lịch sử, vượt qua cả mức giảm thời kỳ đại suy thoái năm 1930 khi chỉ số sản xuất đạt -78,2. Peter Cardillo, chuyên gia kinh tế thị trường tại Spartan Capital Securities nhận định điều này báo hiệu một cuộc suy thoái kinh tế rất nghiêm trọng. 

Trong phiên giao dịch trước đó, chứng khoán Mỹ đã tăng khi Tổng thống Trump chỉ ra sự lạc quan về diễn biến đại dịch Covid-19 tại Mỹ khi số ca nhiễm mới được xác nhận mỗi ngày đang có dấu hiệu giảm. Thống đốc New York Andrew Cuomo củng cố thêm giọng điệu lạc quan về sự bùng phát đại dịch khi chỉ ra số ca tử vong tại tiểu bang này đang chững lại trong khi số ca nhập viện do nghi nhiễm Covid-19 cũng có xu hướng giảm.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục