Reuters dự báo doanh số bán lẻ Mỹ giảm kỷ lục 8% trong tháng 3
Khảo sát của Reuters thực hiện với các nhà kinh tế hàng đầu cho thấy doanh số bán lẻ tại Mỹ có thể đã giảm kỷ lục 8% trong tháng 3, mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1992 đến nay. Trong tháng 2, doanh số bán lẻ chỉ giảm 0,5%.
Báo cáo doanh số bán lẻ chính thức sẽ được Bộ thương mại Mỹ công bố hôm 15/4 (giờ Mỹ) trong bối cảnh hàng triệu người Mỹ mất việc và các nhà kinh tế học nhận định nền kinh tế đang rơi vào suy thoái sâu sắc. Tại nhiều tiểu bang, chính quyền địa phương đã ban hành lệnh cách ly tại nhà hoặc tại khu dân cư với khoảng 90% người Mỹ bị ảnh hưởng bởi những lệnh cách ly như vậy. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang siết chặt những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trong bối cảnh gần 600.000 người Mỹ nhiễm Covid-19 và hơn 28.000 người Mỹ tử vong vì dịch bệnh.
Sung Won Sohn, giáo sư kinh tế kinh doanh tại Đại học Loyola Marymount (Los Angeles) nhận định: “Nền kinh tế gần như đang rơi tự do. Cho đến chừng nào tỷ lệ nhiễm Covid-19 chưa ổn định và bắt đầu giảm, chúng ta vẫn chưa đến đáy”.
Việc chính phủ Mỹ đóng cửa các cửa hàng bán lẻ dịch vụ không thiết yếu có nguy cơ làm giảm mạnh doanh số bán hàng quần áo, đồ thể thao và nội thất. Doanh số xe hơi cũng được dự báo giảm mạnh trong tháng 3 khi nhiều đại lý xe hơi đóng cửa hoàn toàn hoặc chỉ bán hàng trực tuyến. Sự sụt giảm doanh số cũng được báo trước tại các cơ sở nhà hàng, quán bar, nơi đã phải chuyển từ dịch vụ ăn uống trực tiếp sang mang về hoặc giao hàng tại nhà.
Các sàn thương mại điện tử với dịch vụ giao hàng tận nhà như Amazon có thể trở thành điểm sáng hiếm hoi cứu vớt sự sụt giảm doanh số bán lẻ tại Mỹ. Cùng với đó, các cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc dự kiến cũng chứng kiến doanh số tăng khi người tiêu dùng tích trữ thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc, nước sát trùng… trong bối cảnh đại dịch.
Không tính doanh số xe hơi, xăng dầu, vật liệu xây dựng và dịch vụ thực phẩm, doanh số bán lẻ tại Mỹ được dự báo giảm 2%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 12/2018 đến nay. Dự kiến, chi tiêu tiêu dùng trong quý I/2020 giảm ít nhất 5% so với cùng kỳ năm ngoái, qua đó đưa chi tiêu tiêu dùng xuống mức yếu nhất kể từ quý II/1980.
Chi tiêu tiêu dùng đóng góp hơn 2/3 trong GDP của Mỹ. Năm ngoái, chi tiêu tiêu dùng tăng trưởng 1,8% trong quý IV, đưa GDP cùng quý tăng trưởng 2,1%.
Các nhà kinh tế dự báo chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ tiếp tục giảm mạnh trong quý II bất chấp gói kích thích tài chính lên tới 2,3 nghìn tỷ USD của chính phủ dành cho các hộ gia đình thông qua trợ cấp thất nghiệp và các khoản hỗ trợ trực tiếp. Tim Quinlan, nhà kinh tế cấp cao tại Wells Fargo Securities ở Charlotte, Bắc Carolina nhận định: “Làn sóng mua hoảng loạn tại các siêu thị tạp hóa không thể bù đắp sự sụt giảm chi tiêu trong hàng loạt lĩnh vực khác”.
Các nhà kinh tế cũng tin rằng kinh tế Mỹ có thể đã bước vào suy thoái trong tháng 3 vừa qua. Không giống với định nghĩa phổ biến suy thoái là 2 quý giảm liên tiếp trong tổng sản phẩm quốc nội GDP thực tế, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế quốc gia Hoa Kỳ (National Bureau of Economic Research (NBER)) định nghĩa suy thoái kinh tế là sự sụt giảm lan rộng trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế và kéo dài nhiều tháng. Nếu tính theo định nghĩa này, kinh tế Mỹ thực chất đã ở trong giai đoạn suy thoái.