Chứng khoán ngày 21/11: Cổ phiếu VN30 bị "đạp" phiên ATC, VnIndex rơi gần 13 điểm
Trước thời điểm phiên giao dịch ngày 21/11 chính thức bắt đầu, giới chuyên môn vẫn kỳ vọng chỉ số VnIndex sẽ biến ngưỡng tâm lý 1.000 điểm thành mốc hỗ trợ để tăng trở lại. Trường hợp xấu hơn, vùng hỗ trợ mạnh 990-995 điểm sẽ kích thích dòng tiền tham gia bắt đáy.
Nhưng TTCK Việt Nam ngày 21/11 lại xuất hiện những diễn biến tiêu cực theo cách hoàn toàn bất ngờ. Không còn bất kỳ cổ phiếu nào có thể "giải cứu" VnIndex khi tất cả đều chịu áp lực bán tăng đột biến và có thời điểm chạm mức giá sàn trong phiên ATC.
Kết quả, VnIndex kết phiên với mức giảm 12,67 điểm (1,27%) xuống 987,89 điểm. Toàn sàn có 114 mã tăng, 193 mã giảm và 76 mã đứng giá.
Trước đó, trong phiên giao dịch sáng, nguồn cung giá thấp gia tăng ít phút sau thời điểm mở cửa, cộng thêm lực cầu bắt đáy khá yếu đã khiến chỉ số VnIndex nhanh chóng rớt mốc 1.000 điểm, thậm chí đã có thời điểm lùi về mốc 995 điểm.
Áp lực lớn nhất đối với thị trường tới từ các cổ phiếu trụ cột là VIC, VHM, VNM, VCB, BID. Trong đó, VIC giảm 1,6% xuống 114.200 đồng, VHM giảm 0,8% xuống 95.400 đồng, VNM giảm 1,2% xuống 122.500 đồng.
Còn thanh khoản thị trường duy trì ở mức thấp, tổng khối lượng giao dịch trên HOSE và HNX đạt 104,5 triệu cổ phiếu, trị giá 2.200 tỷ đồng.
Những tín hiệu này dều cho thấy tâm lý khá bi quan và ngại bắt đáy nhà đầu tư, báo hiệu nguy cơ các chỉ số trên thị trường sẽ giảm sâu hơn trong phiên giao dịch chiều.
Và đúng như dự báo. Trong ngày đáo hạn hợp đồng tương lai chỉ số VN30F1911, thị trường đã chịu sức ép mạnh trong phiên ATC, hàng loạt cổ phiếu như VCB, VPB, TCB, CTD, VIC, VHM... phải chịu áp lực bán tăng đột biến khiến VnIndex lao dốc, xuống dưới mốc 990 điểm. Chỉ số VN30 hôm nay mất gần 19 điểm tương ứng mức giảm tới hơn 2%.
Trong đó, VPB giảm 4,3% xuống còn 20.000 đồng, TCB giảm 3,7%, MWG giảm 3,1%, MSN giảm 2,9%, SAB giảm 2,2%, VCB giảm 2,2%, VNM giảm 1,6%, VHM giảm 0,9%... Đáng chú ý, EIB bất ngờ giảm sàn xuống 16.750 đồng, đồng thời ghi nhận mức giá thấp nhất của EIB kể từ giữa tháng 10/2019.
Áp lực bán mạnh tại nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn đã dần tới tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường trở nên bi quan hơn, rồi hoạt động bán lan ra diện rộng, số mã giảm điểm chiếm áp đảo.
Các nhóm cổ phiếu mang tính thị trường như chứng khoán, dầu khí, bất động sản... đồng loạt giảm điểm khiến thị trường thêm phần ảm đạm.
Trong khi đó nhóm bất động sản khu công nghiệp tiếp tục đi ngược dòng thị trường với nhiều cổ phiếu thu hút dòng tiền khá tốt như NTC, SNZ, BCM, D2D, SZC,... Ở một số cổ phiếu "nóng" gần đây, diễn biến có phần không mấy tích cực khi đa số các mã PRT, MBG, TSC, TTB, FLC... đều giảm điểm.
Trên TTCK Phái sinh, HĐTL F1911 đáo hạn tại 899 điểm, chênh 0,77 điểm so với chỉ số VN30. Trong khi đó, cả 3 HĐTL còn lại đều đóng cửa với basis dương từ 16 đến 22 điểm.
Giao dịch khối ngoại cũng không thực sự tích cực khi họ bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị gần 350 tỷ đồng.
Trong đó, riêng KDH bị khối ngoại bán ròng 10 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 257,4 tỷ đồng và đứng đầu danh sách cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng trên HOSE. Bên cạnh đó, khối ngoại ngoài còn bán ròng mạnh các cổ phiếu VIC (43,34 tỷ đồng), HPG (36,6 tỷ đồng), VHM (28,14 tỷ đồng)...
Ở chiều ngược lại, VRE là cổ phiếu được mua ròng mạnh nhất với giá trị 41,9 tỷ đồng, ghi nhận phiên mua ròng thứ 6 liên tiếp của cổ phiếu này. Xếp tiếp theo là ROS và VNM khi được khối ngoại mua ròng lần lượt 28,7 tỷ đồng và 23,6 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, khối ngoại tiếp tục bán ròng 11,9 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng đạt 1 triệu cổ phiếu. Còn trên sàn UpCom, khối ngoại bán ròng trở lại 2,7 tỷ đồng, sóng nếu xét về khối lượng thì khối ngoại vẫn mua ròng 12.910 cổ phiếu.
Tổng kết phiên giao dịch ngày 21/11, có thể thấy đây là đồng thuận giảm điểm thứ hai liên tiếp của TTCK Việt Nam. Đặc biệt, chỉ số VnIndex ghi nhận phiên giảm sâu nhất trong vòng hơn 3 tháng qua. Còn thanh khoản trong phiên hôm nay tăng khá mạnh so với các phiên trước đó, và đạt khoảng 4.300 tỷ đồng trên cả hai sàn (không tính giao dịch thỏa thuận).
Theo nhận định của các công ty chứng khoán, sau khi thủng mốc 1000 điểm, thị trường đang trong trạng thái tâm lý rất tiêu cực. Khả năng cao là xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục duy trì trong những phiên tới. Vì vậy, nhà đầu tư nên hạ tỷ trọng cổ phiếu, và giữ tài khoản ở trạng thái an toàn. Nhà đầu tư nên ưu tiên giữ vị thế đứng ngoài quan sát, và hạn chế các hành động mua mới trước khi có những tính hiệu tích cực hơn từ thị trường.