Chứng khoán toàn cầu chao đảo vì khủng hoảng nợ của đại gia BĐS Trung Quốc

21/09/2021 11:36 GMT+7
Làn sóng quan ngại đã lan tỏa trên thị trường toàn cầu trong hai phiên giao dịch đầu tuần này khi một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc là China Evergrande đứng trước bờ vực vỡ nợ.

Trong phiên giao dịch sáng 21/9, chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm mạnh khoảng 2% so với cuối tuần trước do tâm lý quan ngại của nhà đầu tư về tác động từ cuộc khủng hoảng thanh khoản của China Evergrande, một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc đến nền kinh tế toàn cầu. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất của chỉ số Nikkei kể từ cuối tháng 6 đến nay.

Trước đó, trong phiên giao dịch 20/9 trên thị trường Hong Kong (Trung Quốc), cổ phiếu China Evergrande có thời điểm giảm mạnh 19% trước khi kết thúc phiên giao dịch ở mức 2,28 HKD (0,29 USD)/cp, giảm 10% trong một phiên giao dịch. Tính đến hết phiên cùng ngày, cổ phiếu China Evergrande đã giảm tới 84% trong năm nay, giảm xuống dưới cả mức IPO năm 2009 là 3,5 HKD (0,45 USD).

Mức giảm sâu của cổ phiếu China Evergrande đã kéo cả các cổ phiếu ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty bất động sản Trung Quốc đang niêm yết ở sàn Hong Kong giảm theo, qua đó khiến chỉ số Hang Seng giảm 3,3% - phiên giảm tồi tệ nhất trong gần hai tháng.

Thị trường Trung Quốc đóng cửa đến 22/9 trong kỳ nghỉ Tết đoàn viên - Trung thu, nhưng chỉ số FTSE Trung Quốc A50 giao dịch tại Singapore đã giảm hơn 3%.

Chứng khoán toàn cầu chao đảo vì khủng hoảng nợ của đại gia BĐS Trung Quốc - Ảnh 1.

Chỉ số Dow Jones của Mỹ giảm mạnh 614 điểm trong phiên giao dịch hôm 20/9 khi NĐT quan ngại về "bom nợ" của China Evergrande Group (Ảnh: Reuters)

Tác động cũng lan tỏa rộng rãi sang của thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ.

Tại Mỹ, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 614 điểm trong phiên 20/9, tương đương mức giảm 1,8% trong một phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 7 đến nay. Có thời điểm trong phiên, Dow Jones giảm tới 972 điểm. Chỉ số Nasdaq của Mỹ cũng giảm 2,2% tại thời điểm chốt phiên, trong đó 3 mã giảm mạnh nhất thuộc về 3 gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc là Pinduoduo, Baidu và JD.com. Chỉ số S&P 500 kết thúc phiên giảm 1,7%. Đây cũng là ngày giao dịch tồi tệ nhất của cả Nasdaq và S&P 500 kể từ tháng 5. Global X MSCI China Real Estate ETF, một quỹ giao dịch tập trung vào lĩnh vực bất động sản Trung Quốc đóng cửa giảm 5,4% trong ngày.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 trên sàn London đã giảm gần 1% khi nhà đầu tư lo ngại cuộc khủng hoảng nợ của China Evergrande sẽ dẫn đến sự giảm tốc sâu hơn của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, khiến giá hàng hóa toàn cầu chịu ảnh hưởng theo. Chỉ số Euro Stoxx 600 của khu vực đồng Euro giảm gần 1,7%.

Kinh tế Trung Quốc là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng dương trong năm ngoái - thời điểm đại dịch lây lan ra toàn thế giới. Vào tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự kiến Trung Quốc sẽ đóng góp hơn 1/5 mức tăng GDP toàn cầu trong 5 năm, từ nay đến 2026.

Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy đà tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc đang bắt đầu giảm tốc, đặc biệt trên thị trường nhà ở. Cuộc khủng hoảng nợ của nhà phát triển BĐS hàng đầu Trung Quốc có nguy cơ làm trầm trọng thêm đà giảm tốc này, đặc biệt trên thị trường nhà ở vốn đã suy yếu trong hai tháng gần đây. Theo ước tính của UBS, China Evergrande hiện nắm giữ tới 6,5% tổng số nợ của toàn lĩnh vực bất động sản Trung Quốc.

Chỉ trong 2 tuần gần nhất, China Evergrande đã 2 lần cảnh báo nguy cơ vỡ nợ chéo do doanh số bán bất động sản có khả năng tiếp tục giảm đáng kể trong tháng 9, nối tiếp chuỗi giảm nhiều tháng liên tiếp và làm tồi tệ hơn tình hình dòng tiền của doanh nghiệp. Hôm 19/9, China Evergrande cho biết đã bắt đầu trả nợ cho nhà đầu tư vào “sản phẩm quản lý tài sản” (WMP) của tập đoàn này bằng các tài sản bất động sản, chẳng hạn như văn phòng, căn hộ, mặt bằng bán lẻ hoặc bãi đậu xe. Tờ Caixin ước tính hiện China Evergrande có khoảng 40 tỷ Nhân dân tệ (6 tỷ USD) giá trị khoản nợ WMP chưa thanh toán.


NTTD
Cùng chuyên mục