Tỷ phú Hui Ka Yan từ chức Chủ tịch mảng BĐS tại tập đoàn "nợ như chúa chổm" China Evergrande
Thế chân ông Hui Ka Yan tại vị trí Chủ tịch Hengda Real Estate là ông Zhao Changlong, theo thông tin từ Hệ thống công khai thông tin tín dụng doanh nghiệp quốc gia do chính phủ Trung Quốc điều hành. Ông Zhao từng giữ chức chủ tịch kiêm tổng giám đốc của Hengda trước thời điểm tháng 8/2017, China Evergrande cho biết.
Ngay sau động thái này, giá cổ phiếu và trái phiếu China Evergrande đã sụt giảm khi nhà đầu tư lo ngại trước bất kỳ dấu hiệu biến động nào của nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc trong bối cảnh tập đoàn này đang cõng trên vai gánh nặng nợ khổng lồ. Cụ thể, giá cổ phiếu Evergrande đã giảm 4% trong phiên giao dịch tại Hồng Kông hôm 17/8. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Evergrande niêm yết tại Hồng Kông đã lao dốc 64%.
Để trấn an thị trường, phía China Evergrande cho hay việc thay Chủ tịch Hengda Real Estate là một động thái bình thường và không dẫn đến bất kỳ sự thay đổi nào liên quan đến cơ cấu quản trị cũng như tỷ lệ sở hữu cổ phần doanh nghiệp.
Ma Dong, đối tác tại quỹ trái phiếu tư nhân địa phương Trung Quốc BG Capital, cho biết: “Dù lý do là gì, việc thay đổi chủ tịch Hengda Real Estate không phải là một tín hiệu tốt trong mắt thị trường. Vào thời điểm mà Evergrande cần ổn định tâm lý thị trường, việc ông Hui Ka Yan thay đổi vai trò trong doanh nghiệp sẽ khiến nhà đầu tư lo lắng hơn”.
China Evergrande hiện đang cõng trên lưng tổng nợ phải trả lên tới 301 tỷ USD. Thực tế, nhà phát triển bất động sản đã đối mặt với hàng loạt mối quan ngại về tính thanh khoản kém cũng như khả năng vỡ nợ kể từ tháng 3/2020. Tâm lý hoài nghi về số phận China Evergrande ngày càng tăng lên sau khi các cơ quan xếp hạng trong tháng trước đã hạ bậc xếp hạng tín dụng của tập đoàn.
Tính đến cuối năm 2020, China Evergrande nắm giữ khoảng 158,8 tỷ nhân dân tệ tiền và các khoản tương đương tiền; hoàn toàn không đủ đáp ứng 335,5 tỷ nhân dân tệ sắp phải thanh toán trong 12 tháng tới, theo báo cáo thường niên gần nhất của tập đoàn này. China Evergrande hiện đang bị theo dõi chặt chẽ bởi các nhà quản lý trong nước, nhà đầu tư và các cơ quan xếp hạng tín dụng do lo ngại nguy cơ tập đoàn này vỡ nợ sẽ gây ra hệ quả lan tỏa đến toàn hệ thống tài chính khổng lồ trị giá 50 nghìn tỷ USD của Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc hiện đang nỗ lực hạn chế China Evergrande vay nợ nhằm ngăn chặn quan điểm cho rằng các công ty như China Evergrande quá lớn để sụp đổ. Nhưng nhìn chung, số phận của tập đoàn phát triển BĐS hàng đầu đất nước có ý nghĩa quan trọng với không chỉ hệ thống tài chính Trung Quốc, mà còn với hàng loạt ngân hàng, quỹ tín thác và vô số nhà đầu tư tại quốc gia này.
Tuần trước, nguồn tin của tờ Reuters cho hay China Evergrande và các đơn vị liên quan đang thảo luận để bán bớt cổ phần trong hai công ty con chuyên mảng quản lý tài sản và ô tô điện. Ngoài ra, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc cũng được cho là đang rao bán các dự án đô thị mới ở thủ phủ công nghiệp công nghệ cao Thâm Quyến và Vùng Vịnh Lớn, trích một nguồn tin được dẫn bởi tờ SCMP.
“Động thái (bán tài sản) nếu được thực hiện sẽ phần nào giúp giảm bớt mối lo ngại về rủi ro mất khả năng thanh toán cho China Evergrande, đặc biệt nếu họ có thể tìm được một nhà đầu tư chiến lược là doanh nghiệp quốc doanh lớn để tiếp quản số cổ phiếu trong hai công ty con chuyên mảng quản lý tài sản và ô tô điện” - nhận định của ông Raymond Cheng, trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại CGS-CIMB Securities.
Agnes Wong, nhà phân tích tại BNP Paribas SA đã viết trong một báo cáo tháng 6 rằng việc bán tài sản tại các công ty con hoạt động trong lĩnh vực phi bất động sản có thể giúp Evergrande thu về dòng tiên khoảng 80 tỷ USD thanh khoản để trang trải nợ nần.
Các chiến lược gia của Citigroup do Eric Ollom dẫn đầu thì nhận định trong một ghi chú vào tuần trước rằng động thái bán tài sản hoặc buộc phải thay đổi quản lý có thể là dấu hiệu cho thấy chính phủ Bắc Kinh sẽ mạnh tay hơn trong việc siết chặt quản lý nhà phát triển bất động sản đang cõng gánh nặng nợ quá lớn này.