2 sai lầm nào dẫn đến "bom nợ" của nhà phát triển BĐS hàng đầu Trung Quốc?
Teresa Kong, nhà phân tích mảng thu nhập cố định thị trường châu Á tại Matthews nhận định nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc China Evergrande đã phạm 2 sai lầm lớn dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ hiện tại: vay quá nhiều tiền và vấn đề trong quản trị doanh nghiệp.
Tính đến cuối năm 2020, China Evergrande hiện đang cõng trên lưng tổng nợ phải trả lên tới 301 tỷ USD. Thực tế, nhà phát triển bất động sản đã đối mặt với hàng loạt mối quan ngại về tính thanh khoản kém cũng như khả năng vỡ nợ kể từ tháng 3/2020. Tâm lý hoài nghi về số phận China Evergrande ngày càng tăng lên sau khi các cơ quan xếp hạng trong tháng trước đã hạ bậc xếp hạng tín dụng của tập đoàn.
Tính đến cuối năm 2020, China Evergrande nắm giữ khoảng 158,8 tỷ nhân dân tệ tiền và các khoản tương đương tiền; hoàn toàn không đủ đáp ứng 335,5 tỷ nhân dân tệ sắp phải thanh toán trong 12 tháng tới, theo báo cáo thường niên gần nhất của tập đoàn này. China Evergrande hiện đang bị theo dõi chặt chẽ bởi các nhà quản lý trong nước, nhà đầu tư và các cơ quan xếp hạng tín dụng do lo ngại nguy cơ tập đoàn này vỡ nợ sẽ gây ra hệ quả lan tỏa đến toàn hệ thống tài chính khổng lồ trị giá 50 nghìn tỷ USD của Trung Quốc. Bà Teresa Kong nhận định việc gã khổng lồ bất động sản vay quá nhiều tiền và trở thành tập đoàn phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới là sai lầm nghiêm trọng nhất của China Evergrande.
Sai lầm thứ hai theo bà Teresa Kong liên quan đến vấn đề quản trị doanh nghiệp. “Khi bạn đặt hai sai lầm này cạnh nhau, nó giống như châm mồi lửa trong một khu rừng khô và để mọi thứ tự do bùng cháy”.
Nhận định được bà Teresa Kong đưa ra trong bối cảnh China Evergrande liên tục cảnh báo nhà đầu tư về nguy cơ vỡ nợ trong những tuần gần đây. Mới đây nhất, hôm 14/9, tập đoàn này tuyên bố họ có nguy cơ vỡ nợ chéo, tức là rủi ro vỡ nợ có thể tràn sang các lĩnh vực liên quan. Theo China Evergrande, doanh số bất động sản của tập đoàn này tiếp tục xấu đi trong tháng 9, làm tăng thêm rủi ro dòng tiền.
Evergrande đang nỗ lực vật lộn để huy động dòng tiền bằng cách bán bớt tài sản. Theo nguồn tin của tờ Reuters, hồi đầu tháng 8, tập đoàn này và các đơn vị liên quan đang thảo luận để bán bớt cổ phần trong hai công ty con chuyên mảng quản lý tài sản và ô tô điện. Ngoài ra, Evergrande cũng được cho là đang rao bán các dự án đô thị mới ở thủ phủ công nghiệp công nghệ cao Thâm Quyến và Vùng Vịnh Lớn, trích một nguồn tin được dẫn bởi tờ SCMP. Tuy nhiên cho đến nay, những tài sản này chưa mang lại bất cứ doanh thu nào, theo một tuyên bố của tập đoàn hôm 14/9.
China Evergrande hiện là nhà phát triển bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc tính theo doanh thu. Tập đoàn này sở hữu hơn 1.300 dự án bất động sản tại hơn 280 thành phố ở Trung Quốc, theo trang web chính thức của Evergrande. Do quy mô khổng lồ của nó, các nhà phân tích đang đưa ra những kịch bản rủi ro mà việc Evergrande vỡ nợ có thể gây ra cho toàn lĩnh vực bất động sản Trung Quốc nói riêng và hệ thống tài chính Trung Quốc nói chung.
Trong những ngày gần đây, nhiều nhà đầu tư và người mua nhà tại rất nhiều thành phố khác nhau của Trung Quốc đã rơi vào tâm lý hoang mang khi Evergrande liên tục cảnh báo nguy cơ vỡ nợ. “Điều quan trọng lúc này là đảm bảo tính thanh khoản bền vững và duy trì niềm tin. Cuối cùng là đảm bảo không có bất ổn xã hội nào phát sinh do Evergrande có tầm ảnh hưởng rất sâu sắc” - bà Teresa Kong nhấn mạnh.
Các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trái phiếu Evergrande “chắc chắn đang toát mồ hôi hột” - bà Teresa Kong cho hay. Việc chính phủ Bắc Kinh đặt mục tiêu duy trì ổn định xã hội lên hàng đầu nghĩa là họ ưu tiên quyền lợi của người mua nhà hơn hết.
Cổ phiếu của Evergrande đã giảm gần 80% từ đầu năm đến nay, các trái phiếu do tập đoàn này phát hành cũng đang lao dốc thảm hại.