Chứng khoán VN 3 ngày đầu năm: Mất 9,3 tỷ USD vì Corona
Vốn hóa thị trường sàn TP.HCM mất 9,3 tỷ USD
Dịch viêm phổi lạ do virus Corona bắt đầu bùng phát trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vì vậy thị trường chứng khoán Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này trong năm Kỷ Hợi 2019. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index gánh chịu thiệt hại nặng nề ngay từ những ngày đầu năm Canh Tý 2020.
Ngay trong phiên "chào năm", VN-Index đã "bốc hơi" 32 điểm. Hai phiên sau đó, dù đà "rơi" đã hạn chế hơn nhưng VN-Index vẫn trong tình trạng giảm sâu. Sau 3 phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 63,32 điểm, tương đương 6,39% xuống 928,14 điểm. VN-Index khiến vốn hóa thị trường sàn TP.HCM giảm 215.985 tỷ đồng (khoảng 9,3 tỷ USD).
Thị trường chứng khoán Việt Nam có đà giảm mạnh thứ hai châu Á, chỉ sau Thượng Hải. Hôm qua, chỉ số Shanghai của Thượng Hải giảm hơn 8%. Shanghai lao dốc vì Thượng Hải cũng nằm trong "tâm chấn" của dịch Corona.
Cổ phiếu hàng không "thấm đòn"
Dịch Corona hoành hành, các chuyến bay giữa Việt Nam – Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí nhiều chuyến bay bị hủy. Điều đó có nghĩa ngành hàng không bị tác động mạnh nhất bởi dịch Corona. Điều đó phản ánh trong giá cổ phiếu ngành hàng không. Các cổ phiếu hàng không hoặc liên quan đến hàng không đều có tốc độ giảm mạnh hơn đà giảm của VN-Index.
VJC của Vietjet đã trải qua 1 phiên giảm sàn và 2 phiên giảm sâu. Sau 3 phiên đầu tiên của năm Canh Tý 2020, VJC giảm VJC giảm 22.700 đồng/CP, tương đương 15,5% xuống 125.500 đồng/CP. Vốn hóa thị trường Vietjet mất 12.295 tỷ đồng.
Cổ phiếu HVN của Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) thậm chí có tốc độ "rơi" mạnh hơn. Đóng cửa phiên 3/2, HVN dừng ở mức 27.000 đồng/CP, sau khi giảm 5.550 đồng/CP, tương ứng 16,9%. Vốn hóa thị trường Vietnam Airlines hao hụt 7.872 tỷ đồng.
Cổ phiếu FLC của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, đơn vị sở hữu hãng bay Bamboo Airways không trải qua phiên giảm sàn nào nhưng cũng lao dốc. Sau 3 phiên, FLC giảm 610 đồng/CP, tương ứng 13,8% xuống 3.800 đồng/CP. ROS của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros, công ty con của FLC trải qua 2 phiên giảm sàn và đánh mất mệnh giá.
Cổ phiếu y dược được "lì xì"
Dịch Corona hoành hành nên nhu cầu về khẩu trang, thuốc men và các trang thiết bị y tế tăng vọt. Vì vậy, cổ phiếu y dược bất ngờ được "lì xì" đầu năm. DHG của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang suýt có 2 phiên tăng trần liên tiếp. Dù không đạt được thành tích này nhưng sau 3 phiên đầu tiên của năm Canh Tý 2020, DHG vẫn tăng rất mạnh, tăng 14.600 đồng/CP, tương đương 16,6% lên 102.600 đồng/CP.
Nhờ đà tăng bất ngờ này, DHG lần đầu tiên lọt vào danh sách các cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng/CP. Đồng thời, nhờ DHG, vốn hóa thị trường Dược Hậu Giang có thêm 1.909 tỷ đồng.
Cổ phiếu DHT của Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây tăng trần trong 2 phiên 31/1 và 3/2. Thêm phiên tăng nhẹ ngày 30/1, sau 3 phiên đầu tiên, DHT tăng tới 10.800 đồng/CP, tương đương 22,5% lên 58.800 đồng/CP. Nhờ đó, vốn hóa thị trường Dược phẩm Hà Tây có thêm 228 tỷ đồng.
Các cổ phiếu ngành dược khác như OPC, TRA, IMP,… cũng tăng đáng kể dù không ấn tượng như DHT và DHG.
Cổ phiếu ngân hàng "cứu tinh"
Trong những phiên cuối cùng của năm Kỷ Hợi 2019, cổ phiếu ngành ngân hàng với đại diện lớn nhất BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) góp công rất lớn giúp VN-Index lấy lại được sắc xanh.
Tuy nhiên, do chịu sự tác động bởi dịch Corona, trong 2 phiên đầu tiên của năm Canh Tý 2020, cổ phiếu ngân hàng cũng "chìm" theo VN-Index. BID thậm chí có thời điểm giảm sàn xuống 47.900 đồng/CP. Thế nhưng, đến ngày 3/2, cổ phiếu ngân hàng, lại một lần nữa dưới sự dẫn dắt của BID, đã đảo chiều thành công và "giải cứu" VN-Index.
Nếu ở thời điểm đầu phiên 3/2, VN-Index có thời điểm giảm tới gần 36 điểm thì nhờ BID, tới cuối phiên, VN-Index "chỉ" còn giảm hơn 8 điểm. Đóng cửa phiên giao dịch 3/2, BID tăng 2.000 đồng/CP, tương đương 3,9% lên 53.500 đồng/CP. Còn nếu tính theo mức giá thấp nhất trong ngày, BID đã tăng tới 5.600 đồng/CP, tương đương 11,7%.
Một vài cổ phiếu ngân hàng khác cũng tăng mạnh cùng BID như CTG, VPB, STB. Dù vậy, "anh cả" VCB của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chưa kịp lấy lại sắc xanh mà dừng ở giá tham chiếu 88.700 đồng/CP.
Khối ngoại mạnh tay giao dịch
Khi thị trường hoảng loạn, nhà đầu tư trong nước vội vàng bán tháo, khối ngoại lại mạnh tay giao dịch. Chỉ trong 3 ngày đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng về khối lượng nhưng bán ròng về giá trị.
Cụ thể, từ ngày 30/1/2020 đến 3/2/2020, khối ngoại đã mua vào 5.123.264 đơn vị nhưng bán ra 5.056.266 đơn vị. Như vậy, khối ngoại đã mua ròng 66.998 đơn vị. Trong khi đó, xét về giá trị, nhà đầu tư nước ngoài mua vào lượng cổ phiếu trị giá 2.039.844 đồng nhưng bán ra tới 2.204.165 đồng. Điều đó có nghĩa khối ngoại bán ròng 164 tỷ đồng.