Sau "ngày thứ Năm đen tối", cổ phiếu hàng không, sân bay "bốc hơi" 1 tỷ USD
Trong phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên của năm Canh Tý 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam "rơi tự do" bởi trước đó, thị trường chứng khoán thế giới đua nhau lao dốc. Mối lo sợ dịch viêm phổi lạ do virus corona gây ra thực sự trở thành nỗi ám ảnh của người dân toàn cầu.
Thế nhưng, trong "ngày thứ Năm đen tối", chỉ số VN-Index thậm chí còn "lao dốc" nhanh hơn những chỉ số vùng "tâm dịch". Trong khi Shanghai và Hang Seng Index "chỉ" giảm trên 2,5% thì VN-Index giảm hơn 3%. Có lẽ, VN-Index có tốc độ giảm nhanh nhất tại châu Á. Trong khi cổ phiếu ngược dòng thị trường đồng loạt tăng đáng kể thì cổ phiếu ngành hàng không và sân bay lại "dẫn dắt" thị trường… rơi.
Tới sáng nay 31/1/2020, tín hiệu tích cực đã trở lại, sắc xanh xuất hiện nhiều trên thị trường chứng khoán châu Á. Nikkei 225 Index tăng 303,5 điểm, tương ứng 1,35% lên 23.286,93 điểm. Hang Seng Index tăng 109,39 điểm, tương đương 0,41% lên 26.558,52,…
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng. Ngay từ giờ mở cửa, VN-Index đã lấy lại được sắc xanh. Tuy nhiên, sắc xanh đó không duy trì được lâu. Chưa đầy 45 phút sau giờ mở cửa, VN-Index nhanh chóng đảo chiều giảm điểm. Vào lúc 9h45, VN-Index giảm 6,78 điểm, tương đương 0,71% xuống 952,8 điểm.
Cổ phiếu vốn hóa lớn là "tội đồ" của thị trường khi dẫn dắt VN-Index trở lại đà sụt giảm. VN30-Index giảm 10,65 điểm, tương đương 1,22% xuống 865,17 điểm. Số lượng mã giao dịch trong sắc đỏ chiếm ưu thế.
Cổ phiếu ngành hàng không, sân bay tiếp tục là tâm điểm của thị trường và tiếp tục thê thảm. VJC của Công ty cổ phần Hàng không Vietjet có tốc độ "rơi" mạnh nhất. Có thể điểm VJC giảm sàn, giảm 9.800 đồng/CP xuống 130.200 đồng/CP. VJC khiến vốn hóa thị trường Vietjet giảm 5.308 tỷ đồng. Đây là phiên giảm sàn đầu tiên của VJC trong suốt thời gian dài qua.
Cộng với phiên 30/1/2010, VJC giảm 16.300 đồng/CP. Điều đó có nghĩa vốn hóa thị trường Vietjet "bốc hơi" 8.828 tỷ đồng. Vietjet bị ảnh hưởng nặng bởi dịch viêm phổi lạ do virus corona. Hãng hàng không này đã phải hủy nhiều chuyến bay tới Trung Quốc.
Tương tự Vietjet, Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng phải hủy nhiều chuyến bay trong đại dịch corona. Vì vậy, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines có đà giảm sàn, thậm chí trước cả VJC. Hôm qua, HVN giảm sàn, giảm 2.250 đồng/CP xuống 30.550 đồng/CP.
Tới sáng 31/1, đà giảm sâu tiếp tục được duy trì. Có thời điểm HVN cũng giảm sàn, giảm 2.100 đồng/CP xuống 28.450 đồng/CP. Sau 2 phiên đầu tiên của năm mới Canh Tý 2020, HVN đã giảm 4.350 đồng/CP. HVN khiến vốn hóa thị trường Vietnam Airlines giảm 6.170 tỷ đồng.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cũng phải chứng kiến cổ phiếu ACV giảm sâu. Sau khi giảm 3.600 đồng/CP, sáng nay, ACV giảm thêm 900 đồng/CP. Tính đến sáng nay, ACV đã mất 4.500 đồng/CP khiến vốn hóa thị trường ACV "đánh mất" 9.797 tỷ đồng.
Cổ phiếu ngành dịch vụ sân bay cũng bị ảnh hưởng dù mức độ ảnh hưởng thấp hơn ngành hàng không. Hôm qua, cổ phiếu SAS của CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất, nơi ông Johnathan Hạnh Nguyễn, bố chồng diễn viên Tăng Thanh Hà giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng dừng trong sắc đỏ.
Đóng cửa "ngày thứ Năm đen tối", SAS giảm 1.000 đồng/CP xuống 28.400 đồng/CP. Đây là phiên giảm mạnh nhất của SAS kể từ ngày 9/1/2020. SAS khiến vốn hóa thị trường công ty giảm 133 tỷ đồng. Tới sáng 31/1, SAS chưa phát sinh giao dịch nào nên thị giá chưa biến động. Tuy nhiên, tín hiệu cũng không hề lạc quan khi dư cầu SAS đều chìm trong sắc đỏ.
Cổ phiếu NAS của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Nội Bài thậm chí còn thê thảm hơn. Hôm qua, NAS dừng ở mức 32.000 đồng/CP sau khi giảm 4.000 đồng/CP. NAS khiến vốn hóa công ty giảm 33,3 tỷ đồng. Hôm nay, thị giá của NAS cũng chưa biến động.
Cổ phiếu CIA của Công ty Cổ phần Dịch vụ Sân bay Quốc tế Cam Ranh cũng đã trải qua một phiên đầy biến động mạnh. Sau "ngày thứ Năm đen tối", CIA giảm 500 đồng/CP xuống 13.600 đồng/CP. Vì CIA, vốn hóa công ty giảm 9,9 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ sau hơn 1 phiên giao dịch, vốn hóa thị trường của một số công ty thuộc ngành hàng không, sân bay có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán đã "bốc hơi" hơn 24.797 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD) vốn hóa thị trường.