Chỉ số VN-Index hôm nay đóng cửa với sắc xanh nhạt trong ngày bầu cử Mỹ 2024

05/11/2024 15:47 GMT+7
Trong ngày diễn ra bầu cử Mỹ 2024 (5/11), đóng cửa phiên, chỉ số VN-Index hôm nay tăng 1,05 điểm lên 1.245,76 điểm. Tại sàn Hà Nội, chỉ số tăng 0,71 điểm lên 224,86 điểm. Thanh khoản thị trường giảm sâu khi tâm điểm thị trường đổ dồn về cuộc bầu cử Tổng thống cho nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tâm điểm nhà đầu tư đổ về kết quả bầu cử Mỹ 2024

Tại thời điểm kết phiên, thị trường có 20 mã tăng trần, 372 mã tăng điểm, 289 mã giảm điểm và 911 mã đứng tham chiếu. Tính riêng rổ VN30 ghi nhận 11 mã tăng điểm và 9 mã giảm.

Thanh khoản trầm lắng hơn khi tâm điểm nhà đầu tư đổ dồn về cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ giữa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris. Tính tổng 3 sàn ghi nhận 481,1 triệu đơn vị giao dịch, tương ứng giá trị đạt 12.111 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối lượng giao dịch đạt 416,2 triệu đơn vị; khớp lệnh 332,6 triệu đơn vị, tương ứng giá trị đạt 8.184 tỷ đồng.

Chứng khoán: VN-Index đóng cửa với sắc xanh nhạt trong ngày bầu cử Mỹ 2024- Ảnh 1.

Thị trường trầm lắng trong phiên hôm nay. Ảnh: vietstock.

Phiên hôm nay, HVN, GVR, HPG, EIB, MWG, VCB,... là các mã hỗ trợ cho chỉ số chung với 2,35 điểm tăng. Ngược chiều, CTG, BID, GAS, OCB, FPT, VJC,... là các mã tác động tiêu cực khi lấy đi 1,77 điểm của chỉ số chung. Dù thị trường giữ sắc xanh nhẹ nhưng điểm sáng vẫn đến từ một số mã tím trần như NAV, TMT, SMA, SFC, DXV, KPF,...

Sắc xanh chiếm ưu thế trên bảng điện khi phủ rộng 12 nhóm ngành, trong đó viễn thông +3,24%; nguyên vật liệu và vận tải đều +0,61%; tư liệu sản xuất +0,57%;... Ngược lại, 9 nhóm ngành đỏ lửa đến cuối phiên, bao gồm chăm sóc sức khỏe -2,34%; truyền thông giải trí -1,34%; dịch vụ chuyên biệt và thương mại -0,77%;...

Dù mở đầu phiên, nhóm vốn hóa lớn như ngân hàng, bất động sản đều ngập trong sắc xanh nhưng do thiếu động lực bứt phá từ dòng tiền, nhiều mã đảo chiều về tham chiếu, thậm chỉ giảm quanh biên độ 1%. Dù vậy, EIB +3,21% là một những mã dẫn đầu đà tăng ở nhóm tài chính, đóng góp 0,26 điểm cho chỉ số VN-Index.

Còn lại, TPB, VPB, TCB, HDS, MBB,... là các mã đóng cửa ở mức tham chiếu và CTG, STB, BID, OCB,.. là những mã giảm điểm.

Ở nhóm bất động sản, "ông lớn" VHM đóng cửa ở tham chiếu, DXG -0,3%, DIG +0,72%.... đang là các mã dẫn đầu thanh khoản.

Đáng chú ý, mã TLG bất ngờ bật trần vào giữa phiên lên ngưỡng 59.000 đồng/cp. Đà tăng được cho là đến từ việc Tập đoàn Thiên Long (HoSE: TLG) chọn 14/11 là ngày giao dịch không hưởng quyền chia cổ tức 2023 bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% và tạm ứng cổ tức tiền mặt 2024 với tỷ lệ 10%. Kết phiên, mã này tăng 6,52% lên 58.800 đồng/cp với 723.700 đơn vị được "sang tay".

Phiên hôm nay, khối ngoại bán ròng gần 850 tỷ đồng, trong đó gần 833 tỷ đồng trên sàn HoSE. Dữ liệu cho thấy, khối này tập trung "xả" MSN, VHM, MWG, FPT, BMP,..

Bầu cử Mỹ 2024 tác động ra sao tới các nhóm ngành trên sàn?

Theo Agriseco Research nhận thấy, chính sách của bà Kamala Harris có xu hướng ôn hòa hơn, duy trì hợp tác quốc tế và ưu tiên cho tầng lớp trung lưu. Trong khi đó, ông Donald Trump tập trung nhiều hơn vào bảo hộ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước và khuyến khích vốn đầu tư vào sản xuất nội địa.

Theo Agriseco Research, nếu ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, các nhóm ngành có triển vọng tích cực là: Khu công nghiệp; Dệt may; Gỗ. Ngược lại, thủy sản; chất dẻo; dầu khí là các ngành được nhóm phân tích đưa ra quan điểm trung lập.

Chứng khoán: VN-Index đóng cửa với sắc xanh nhạt trong ngày bầu cử Mỹ 2024- Ảnh 2.

Các nhóm ngành trên sàn bị ảnh hưởng sau cuộc bầu cử Mỹ 2024. (Nguồn: Agriseco Research)

Ngược lại, Thép và Năng lượng tái tạo sẽ là nhóm ngành thuộc nhóm triển vọng kém tích cực nếu cựu Tổng thống Mỹ Trump giành chiến thắng.

Trong khi đó, Gỗ là nhóm ngành duy nhất được nhóm phân tích đánh giá triển vọng tích cực nhờ lộ trình cắt giảm lãi suất không bị gián đoạn và các chính sách hỗ trợ thị trường nhà ở tạo điều kiện tiêu thụ đồ gỗ nếu bà Harris đắc cử. Các nhóm ngành còn lại, nhóm phân tích giữ quan điểm trung lập.

Bên cạnh cuộc bầu cử sẽ ảnh hưởng đến tâm lý TTCK, Agriseco Research nhận thấy một số yếu tố cần theo dõi trong tháng 11, gồm chính sách lãi suất của Fed trong kỳ họp FOMC dự kiến diễn ra ngày 08/11, kỳ vọng Fed hạ lãi suất trong bối cảnh lạm phát đã hạ nhiệt, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá và áp lực rút ròng của khối ngoại. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị đang leo thang và xu hướng tiếp tục tăng giá của đồng USD.

"Thị trường có thể tiếp tục xu hướng đi ngang nhưng dần tiến về vùng 1,300 điểm khi nền định giá đang ở mức hấp dẫn sau khi công bố kết quả kinh doanh quý 3/2024 và kỳ vọng tốc độ nới lỏng chính sách diễn ra nhanh hơn", trích báo cáo chiến lược cập nhật của Agriseco Research.

Linh Anh
Cùng chuyên mục