Chương trình OCOP giúp Duy Xuyên nâng tầm giá trị nông sản

Trần Hậu
17/05/2025 07:58 GMT +7
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam triển khai nhiều năm qua đã mang lại nguồn lợi về kinh tế, thu nhập bền vững cho người dân nông thôn. Đồng thời góp phần chuyển dịch nền sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, trở thành nguồn nội lực quan trọng thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Chí Công - Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Duy Xuyên cho biết: Duy Xuyên có nhiều nông sản đặc trưng có thể xây dựng trở thành các sản phẩm OCOP. Thấy được tiềm năng đó, huyện xác định Chương trình OCOP là hướng mở để phát triển kinh tế nông thôn. Từ đó, các cấp chính quyền và ngành chức năng trong huyện đã quan tâm và khuyến khích, hướng dẫn các chủ thể, hộ nông dân cá thể hoàn thiện sản phẩm để tham gia phân hạng, đánh giá công nhận sản phẩm OCOP.

UBND huyện Duy Xuyên đã phối hợp với các sở, ban, ngành cử cán bộ, chuyên viên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ OCOP cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, cử các chủ thể tham gia tập huấn các vấn đề về xây dựng phương án kinh doanh, kiến thức về phát triển sản phẩm, thị trường, quản trị sản xuất chất lượng.... Qua đó phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Huyện Duy Xuyên có tổng số 28 sản phẩm OCOP, trong đó có 22 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và 6 sản phẩm đạt 4 sao. Ảnh: T.H.

Trong năm 2024 toàn huyện có 6 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP lên 28 sản phẩm. Trong đó có 22 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao và 6 sản phẩm đạt 4 sao.

Chị Phạm Thị Duy Mỹ - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xanh Duy Oanh (xã Duy Sơn) chia sẻ: “HTX chuyên sản xuất và tiêu thụ nông sản của bà con nông dân địa phương nhưng chưa được người tiêu dùng biết đến nhiều. Nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền trong huyện cùng sự nỗ lực của các thành viên trong HTX, đến nay, 2 sản phẩm Bột ngũ cốc Duy Oanh và Thanh gạo lứt hạt – rong biển của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.

Chị Phạm Thị Duy Mỹ - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xanh Duy Oanh, là đơn vị tiên phong trong phát triển sản phẩm OCOP. Ảnh: T.H.

Cùng với đó, HTX được hỗ trợ tham gia các chương trình triển lãm, hội chợ, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh, có cơ hội tiếp cận đông đảo người tiêu dùng, sản lượng tiêu thụ tăng, thị trường tiêu thụ được mở rộng”.

Anh Đinh Công Đức – Chủ cơ sở sản xuất Nước mắm nhĩ Cửa Đại (xã Duy Nghĩa) cho biết: “Sản phẩm Nước mắm nhĩ Cửa Đại được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao năm 2022. Từ đây đã tạo động lực và mở ra cơ hội để sản phẩm đặc trưng miền biển Duy Xuyên được tiếp cận với khách hàng trong và ngoài nước, khẳng định thương hiệu và hướng đến xuất khẩu.

Sản phẩm Nước mắm nhĩ Cửa Đại được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao năm 2022. Ảnh: T.H.

Hiện nay, với diện tích xưởng sản xuất hơn 3.000m2, tôi muối trữ hơn 1.000 tấn cá, xuất bán 2 tấn sản phẩm mắm các loại mỗi ngày. Riêng sản phẩm Nước mắm nhĩ Cửa Đại bán chạy nhất vào dịp Tết, đạt sản lượng hơn 60.000 lít. Bình quân cơ sở thu lãi 300 triệu đồng mỗi năm, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với thu nhập từ 9-13 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ”.

“Năm 2025, huyện Duy Xuyên phấn đấu có ít nhất 75% số sản phẩm mới tham gia đạt tiềm năng 3 sao trở lên; 100% sản phẩm tham gia nâng cấp đạt 4 sao, 100% sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng lại đạt. Xây dựng 1 Trung tâm OCOP cấp huyện và phát triển 1 điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP....”, ông Nguyễn Chí Công - Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Duy Xuyên cho hay.