Chuyện đại gia mời cựu phó thủ tướng Đức bán nông sản
Từ việc đầu tư mạnh cho công nghệ, quản trị chuyên nghiệp, chọn đúng mảng kinh doanh cho đến mời nhân sự có sức ảnh hưởng vào quản trị…, các đại gia giàu nhất Việt Nam đang nhìn nông nghiệp là một kênh đầu tư hấp dẫn.
Cựu phó thủ tướng Đức đi bán gạo
Tại đại hội cổ đông của Tập đoàn Lộc Trời tổ chức mới đây, TS Philipp Roesler, cựu phó thủ tướng Đức, đã được bổ nhiệm vào vị trí thành viên hội đồng quản trị độc lập của tập đoàn. “Chính tôi đích thân gọi điện thoại mời cựu phó thủ tướng Đức về làm việc” - ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, khẳng định.
Có thể thấy với việc mời một nhân vật có danh tiếng trên thế giới về làm việc, Lộc Trời đang có tham vọng đưa nông sản Việt Nam kết nối sâu rộng với thị trường thế giới. Bởi Lộc Trời là một trong những doanh nghiệp nông nghiệp quy mô lớn hàng đầu Việt Nam, đặc biệt nhiều năm qua theo đuổi xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam chất lượng cao tại thị trường nội địa và quốc tế.
Nhưng theo ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Lộc Trời, công ty đã có dấu hiệu hụt hơi, chững lại và đã đến lúc cần thay đổi để làm mới cũng như tìm kiếm mục tiêu tăng trưởng mới. Chính vì thế, tái cấu trúc công ty là vấn đề mà lãnh đạo Lộc Trời tính đến. Ông Thòn xem chuyển đổi số là cách mà công ty cần phải tiếp cận để theo kịp thời đại.
“Bằng chuyển đổi số, công ty sẽ không còn sở hữu đất đai hay mua bán nông sản thuần túy, mà hướng đến một công ty dịch vụ nông nghiệp tri thức cốt lõi. Với cách làm này, dù có đi chậm nhưng trong 3-4 năm đến, tăng trưởng kinh doanh sẽ được đẩy mạnh” - ông Thòn nhấn mạnh.
Tham vọng của Lộc Trời giờ đây được gia tăng mạnh mẽ từ sự xuất hiện của vị cựu phó thủ tướng Đức, bởi mảng công nghệ cũng vốn là một thế mạnh của cựu phó thủ tướng Đức Philipp Roesler. Ông Philipp Roesler cho biết: “Tôi đã nhận được lời mời của Tập đoàn Lộc Trời và rất vinh dự đón nhận vị trí thành viên độc lập của hội đồng quản trị. Tôi tin rằng chiến lược của Lộc Trời rất phù hợp với xu hướng của nông nghiệp hiện đại trên thế giới. Tôi chờ đợi sẽ đóng góp tích cực cho sự thành công của Lộc Trời trong lĩnh vực rất quan trọng là nông nghiệp, qua đó góp phần phát triển kinh tế của Việt Nam”.
Ông lớn ô tô, thép nuôi heo
Việc các đại gia đầu tư lớn vào lĩnh vực nông nghiệp như Tập đoàn Lộc Trời trong thời gian gần đây không phải là cá biệt. Đơn cử, thị trường thịt heo đang nhìn thấy các tín hiệu tích cực khi đại gia xe hơi và vua cá cùng bắt tay nhau lập công ty nuôi heo.
Cụ thể, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) và ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch Công ty Hùng Vương, vừa bỏ ra gần 600 tỉ đồng lập công ty chuyên về nuôi heo và sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trước đó, Hùng Vương đã xây dựng dang dở hệ thống chuỗi nuôi heo nhưng do không đủ nguồn lực tài chính để hoàn thiện và giờ đây cần sự tiếp sức của Thaco giàu tiềm lực.
Ông Dương Ngọc Minh cho biết chọn công nghệ nuôi heo Đan Mạch để xây dựng tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, do suất đầu tư cao, lại gặp lúc công ty khó khăn về nguồn vốn nên chưa thể đưa vào hoạt động.
“Chúng tôi đã mất rất nhiều tiền để thực hiện chuỗi nuôi heo chất lượng cao, an toàn. Nhưng với những người dám làm thì ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển lớn nếu có tầm nhìn về công nghệ tốt dẫn đến giá thành tốt, an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tốt hơn” - ông Minh nhấn mạnh.
Tại hội nghị trực tuyến với Thủ tướng mới đây, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương nói rằng rất đồng cảm với nỗi lo lắng của Chính phủ về việc giá thịt heo còn cao, ảnh hưởng đến dân sinh. Nhưng ông cũng cho rằng ở khía cạnh khác, giá heo cao cũng là cơ hội để thu hút các đơn vị lớn đầu tư vào ngành nuôi heo một cách bài bản. Từ đó tạo ra nguồn cung bền vững giúp cơ quan quản lý nhà nước không phải bận tâm đến việc giải cứu, can thiệp vào và thậm chí xây dựng được một ngành nuôi heo đủ chất lượng xuất khẩu.
Tập đoàn Hòa Phát lâu nay vốn nổi tiếng với sắt thép nhưng ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT tập đoàn, mới đây bất ngờ cho biết: Hiện công ty chiếm vị thế số một cung cấp bò Úc tại Việt Nam với 50% thị phần. Tập đoàn cũng dẫn đầu thị trường miền Bắc về cung cấp trứng với sản lượng 450.000 quả/ngày. Ngoài ra, Hòa Phát cũng là ông trùm nuôi heo với 200.000 con heo thương phẩm, chưa tính đến heo giống và heo cai sữa.
Đáng chú ý, vua thép Hòa Phát đã hưởng thành quả tốt về kinh doanh nông nghiệp. Trong 2.000 tỉ đồng lợi nhuận của quý 1-2020 thì nông nghiệp đã mang về cho công ty 500 tỉ đồng. Hòa Phát cũng kỳ vọng đạt lãi 1.300 tỉ đồng trong mảng nông nghiệp vào cuối năm nay.
Thực tế, khi tham gia vào mảng nông nghiệp, ông Long vấp phải nhiều sự phản ứng của các cổ đông do đi trái ngành và dấn thân vào lĩnh vực chậm có lợi nhuận. Ông Long cũng thừa nhận kinh doanh nông nghiệp khó kiếm lời nhanh bằng thép. Để có khoản lợi nhuận tốt trong mảng nông nghiệp vừa qua, ông đã mất khoảng năm năm gầy dựng với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng.
“Đòi hỏi có lãi ngay rất khó, vì cần đạt sản lượng ở quy mô hòa vốn; xây dựng quy trình sản xuất hiện đại, phát triển theo đúng các định hướng đặt ra cũng tốn nhiều thời gian. Nhưng đổi lại đầu tư vào nông nghiệp giúp công ty phát triển ổn định và bền vững” - ông Long khẳng định.
Nhiều chuyên gia cho rằng đang có một “làn gió” tích cực cho ngành nông nghiệp, khi các đại gia dám chơi lớn tung tiền đầu tư bài bản, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng quy mô lớn. GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, đánh giá: “Các doanh nghiệp có tiềm lực tham gia mạnh mẽ vào khu vực nông nghiệp cho thấy đây là một ngành còn nhiều lợi thế đáng khai thác và là bàn đạp cho cơ hội vươn xa của ngành nông nghiệp Việt Nam”.