Chuyên gia: Áp lực đáo hạn trái phiếu lớn một phần do lỗi của công ty chứng khoán và ngân hàng
Ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch CTCP Tư vấn Quốc tế (CIB) phân tích, các công ty chứng khoán và ngân hàng để bán được trái phiếu, họ hứa với nhà đầu tư sẽ mua lại trong 3-6 sau khi phát hành.
"Đến khi trái chủ yêu cầu mua lại thì họ không mua hoặc không đủ năng lực mua. Nhưng nếu đẩy trách nhiệm này cho nhà phát hành thì không đúng quy định, bởi thời hạn phát hành thường ít nhất là 1 năm", ông Danh chia sẻ.
Chính vì vậy, để giúp doanh nghiệp giải tỏa áp lực trái phiếu đáo hạn, ông Mã Thanh Danh đề xuất 3 nhóm giải pháp.
Trước hết phải tính toán khả năng từ nội tại chính doanh nghiệp. Nếu không đủ tiền, doanh nghiệp có thể đi vay thêm hoặc thế chấp một phần trái phiếu với lãi suất cao hơn để vay tiền mua lại phần còn lại.
Bên cạnh đó, với tình hình kinh doanh ổn định, doanh nghiệp có thể thương lượng trực tiếp với trái chủ để họ chờ đến hạn. Trong trường hợp trái chủ nhất quyết yêu cầu mua lại, doanh nghiệp có thể thương lượng để trái chủ chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.
Riêng với doanh nghiệp có tài chính không đủ mạnh hoặc kinh doanh kém quả quan, yêu cầu mua lại trái phiếu thực sự là áp lực không nhỏ. Vì vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị một kế hoạch tái cấu trúc rõ ràng để thương lượng với trái chủ. Nếu không được, doanh nghiệp buộc phải bán các tài sản mình đang có để thanh toán với các trái chủ. Đó có thể là đất đai, thương hiệu, hệ thống phân phối…
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tìm giải pháp từ bên ngoài thị trường. Thị trường chứng khoán đang phục hồi là cơ hội để doanh nghiệp có thể tính toán phương án huy động vốn qua thị trường này để thanh toán trái phiếu. Thậm chí họ có thể bán bớt cổ phiếu quỹ để thu tiền về.
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu là cần nguồn vốn trung và dài hạn để phát triển, sau khi không huy động được bằng kênh cổ phiếu và vay ngân hàng. Vì thế, thị trường Việt Nam rất cần những ngân hàng đầu tư (Investment Banking) có nguồn vốn lớn cho vay trung và dài hạn.
"Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, họ sẽ đồng hành lâu dài bằng cách chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Tuy nhiên, thực tế, các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam chưa nhiều, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ", vị này nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Danh khi thị trường được nâng hạng sẽ đón thêm nhiều dòng vốn lớn đổ vào, giúp doanh nghiệp đỡ áp lực về nguồn vốn.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần tính đến phương án tham gia thị trường mua bán nợ. Tuy nhiên, các công cụ mua bán nợ tại thị trường Việt Nam hiện vẫn chưa phổ biến. Đồng thời, nếu có một thị trường trái phiếu thứ cấp hoạt động bài bản, thì các trái chủ khi cần bán lại sẽ giao dịch trực tiếp trên thị trường này, giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân khiến nhà đầu ra gặp nhiều rủi ro khi đầu tư trái phiếu là đầu tư theo tin đồn, đồng thời do thông tin thiếu minh bạch.
"Một phần nguyên nhân khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào trái phiếu doanh nghiệp là do những công ty phát hành công bố thông tin sai sự thật, thông tin giả, chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế, không có tài sản đảm bảo.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp không có phương án phát hành trái phiếu được phê duyệt và chấp thuận theo quy định, không có báo cáo tài chính năm trước liền kề của năm phát hành được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán", ông Hưng nói.
Vị chuyên gia này cũng nêu một thực tế, nhiều đơn vị hoạt động môi giới đầu tư trái phiếu khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép. Các công ty chào bán không tuân thủ quy định, chưa xác nhận minh bạch thông tin đơn vị phát hành trái phiếu. Thậm chí, các đơn vị tư vấn và đại lý phát hành đã có động thái để "hỗ trợ" nhà đầu tư không đủ tiêu chuẩn tham gia mua TPDN phát hành riêng lẻ để thu hút dòng tiền.
Do đó, ông cho rằng, ngoài doanh nghiệp phát hành, các đơn vị môi giới, các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán cần minh bạch hơn trong quá trình tư vấn phát hành trái phiếu.