Chuyên gia bất ngờ đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên giữ quyền xuất nhập khẩu vàng

10/06/2024 08:39 GMT+7
Ngân hàng Nhà nước với tư cách nắm giữ dự trữ ngoại hối quốc gia, trong khi đó vàng là tài sản có nguyên liệu do thị trường quốc tế quyết định. Vì vậy, theo TS Trương Văn Phước, Ngân hàng Nhà nước nên giữ quyền xuất nhập khẩu vàng.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, vàng cũng là câu chuyện của quốc tế không chỉ riêng Việt Nam. Sau khi triển khai nhiều giải pháp, trong đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có kế thừa giải pháp đấu thầu vàng (từng triển khai năm 2013), song chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới vẫn chưa giảm như kỳ vọng.

Với giải pháp mới là từ 3/6 NHNN bán vàng trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty Vàng bạc đá quý (SJC) để các đơn vị này bán vàng cho người dân, đến nay chênh lệch giá bán vàng miếng SJC và giá vàng thế giới đã được thu hẹp.

Thống kê của Dân Việt cho thấy, trong 1 tuần Ngân hàng Nhà nước thực hiện bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank), giá vàng đã giảm từ 83 triệu đồng/lượng xuống chỉ còn 76,98 triệu đồng/lượng, tương ứng với 6,02 triệu đồng/lượng. Nếu mua cách đây 1 tuần và bán ra ở thời điểm hiện tại, người dân đã mất 8 triệu đồng đối với mỗi lượng vàng.

Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã giảm từ 16 - 17 triệu về còn khoảng 3 triệu đồng/lượng.

Chuyên gia bất ngờ đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên giữ quyền xuất nhập khẩu vàng- Ảnh 1.

Diễn biến giá vàng.

Đánh giá cao giải pháp NHNN đang triển khai, song TS.Trương Văn Phước – nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nêu thực tế, mặc dù giá vàng đã hạ nhiệt, song người dân mua vàng lúc này cần hết sức thận trọng.

Dẫn chứng rằng, chỉ một động thái NHTW Trung Quốc ngưng mua vàng cho dự trữ, giá vàng mỗi đêm giảm xuống từ 80 đến 100 USD. Bên cạnh đó, nhiều biến số kinh tế của Mỹ và Châu Âu… theo ông Phước sẽ tác động mạnh tới kim loại quý.

"Dĩ nhiên tài sản là quyền của công dân, pháp luật không cấm mua bán. Tuy nhiên, nên thận trọng, nên mua ít. Nếu mua nhiều mà giá xuống nhiều thì chúng ta phải gánh những khoản lỗ do chính công sức chúng ta tạo ra", ông Phước nhấn mạnh.

Cũng theo TS Trương Văn Phước, việc cung ứng vàng lên thị trường là NHNN trong một nỗ lực của Chính phủ là kéo giá vàng xuống. Bên cạnh vàng, Chính phủ hay NHNN còn phải cân đối với bao nhiêu mặt hàng khác rất thiết yếu cho đời sống của người dân.

"Nếu một hôm không cầm 1 thỏi vàng thì chắc chắn chúng ta vẫn sống, nhưng nếu một hôm chúng ta không có xăng dầu, không có phân bón, gạo, nhu yếu phẩm thì sẽ thế nào… Cho nên cũng cần phải thông cảm rằng, việc NHNN cung ứng một lượng vàng để đáp ứng cho người dân như vậy là tốt", TS Trương Văn Phước nhấn mạnh.

Chuyên gia bất ngờ đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên giữ quyền xuất nhập khẩu vàng- Ảnh 2.

Ngân hàng Nhà nước nên giữ quyền xuất nhập khẩu vàng.

Nói về sứ mệnh của Nghị định 24 trong hơn 10 năm qua, TS Trương Văn Phước đánh giá: Trong hơn 12 năm qua, Nghị định 24 đã có đóng góp quan trọng cùng với các chính sách như là không cho các tổ chức tín dụng huy động vàng, không cho các giao dịch vàng qua các sàn…, chúng ta chứng kiến tập quán của người dân Việt Nam đã thay đổi nhiều. Vàng không là phương tiện trao đổi, định giá, thậm chí không còn là phương tiện cất giữ tài sản nữa.

Trong Nghị định 24, do SJC chiếm số lượng lớn, NHNN muốn việc chế biến gia công đó phải sử dụng nguồn nguyên liệu chủ động từ NHNN. Ông cho rằng, đó là hướng tiếp cận chính sách đúng trong 10 năm qua. Sắp tới, theo ông Phước việc giá cả bao nhiêu sẽ để thị trường quyết định.

Tuy nhiên, NHNN với tư cách nắm giữ dự trữ ngoại hối quốc gia, mà vàng là tài sản có nguyên liệu do thị trường quốc tế quyết định nên NHNN nên giữ lấy quyền xuất nhập khẩu vàng. Còn việc chế biến gia công nên trao lại cho doanh nghiệp hoặc TCTD có điều kiện.

"Như vậy chúng ta sẽ chứng kiến sự điều tiết của thị trường vàng theo quy luật cung cầu và giá cả chắc chắn sẽ không có sự chênh lệch như thời gian vừa qua, dĩ nhiên đó là một cách nghĩ góc nhìn riêng của tôi. Dần dần người dân sẽ rời xa vàng vật chất", TS. Phước nói.

Đồng tình với quan điểm trên PGS.TS Nguyễn Thị Mùi khuyến nghị, người dân vẫn chưa có đủ điều kiện để đầu tư chứng khoán, vì đầu tư chứng khoán cần am hiểu hoặc vẫn không có đủ tiền để đầu tư bất động sản. Trong khi đó, nếu mua vàng để chờ lên giá, theo bà Mùi không phải là kênh đầu tư hiệu quả nhất. Do đó, bà Mùi khuyến nghị, thay vì mua vàng, người dân "ít tiền" vẫn nên gửi tiết kiệm.

H.Anh
Cùng chuyên mục