Chuyên gia SSI Research: Gần 185 nghìn tỷ đồng đã được hút khỏi hệ thống

09/09/2022 17:56 GMT+7
Thống kê của SSI Research cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 115 nghìn tỷ đồng thông qua kênh thị trường mở và 70 nghìn tỷ đồng thông qua kênh bán ngoại tệ tính đến hết tháng 8.

Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 9, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá, sau những biến động tương đối mạnh trong nửa cuối tháng 7, hoạt động thị trường mở ổn định hơn trong tháng 8. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) linh hoạt sử dụng kênh OMO và tín phiếu nhằm điều tiết thanh khoản trên thị trường và duy trì một mức nền lãi suất liên ngân hàng VND nhằm tạo một khoảng cách an toàn đối với lãi suất USD và giảm tải áp lực lên tỷ giá.

Bên cạnh đó, NHNN cũng tiếp tục thực hiện bán một khối lượng lớn USD từ dự trữ ngoại hối nhằm hỗ trợ nguồn cung ngoại tệ trên thị trường.

Tính đến hết tháng 8, NHNN đã hút ròng gần 115 nghìn tỷ đồng thông qua kênh thị trường mở và 70 nghìn tỷ đồng thông qua kênh bán ngoại tệ, đưa mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND lên vùng khoảng 3,5% – 4,0%.

Lãi suất tín phiếu và OMO cũng đã được điều chỉnh tăng so với tháng 7, cho thấy NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng hơn xuyên suốt tháng 8.

Chuyên gia SSI Research: Gần 185 nghìn tỷ đồng đã được hút khỏi hệ thống - Ảnh 1.

Đối với tín dụng, số liệu từ NHNN cho thấy dư nợ tín dụng tính đến hết tháng 8 tăng 9,91% so với đầu năm (tương đương mức tăng 16,2% so với cùng kỳ).

Như vậy, tăng trưởng tín dụng đang có xu hướng hạ nhiệt sau khi đạt đỉnh vào cuối tháng 5 (tăng gần 17% so với cùng kỳ), do việc giải ngân chậm lại khi nhiều ngân hàng đã chạm trần tăng trưởng tín dụng hàng năm.

Như kế hoạch, NHNN đã thông báo về việc bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng. Hạn mức tăng trưởng tín dụng điều chỉnh trong khoảng còn lại của mục tiêu 14% để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Như vậy, điều này tương đương với việc đã có khoảng 457 nghìn tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng.

Chuyên gia SSI Research: Gần 185 nghìn tỷ đồng đã được hút khỏi hệ thống - Ảnh 2.

Đã có khoảng 457 nghìn tỷ đồng sẽ được phân bổ về cho các ngân hàng. (Ảnh: VCB)

Áp lực tỷ giá còn lớn?

Đối với tỷ giá, áp lực về mặt tỷ giá vẫn còn tương đối lớn khi đồng USD duy trì sức mạnh với việc chỉ số DXY đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 20 năm qua.

Trên thực tế, tính đến cuối tháng 8, tỷ giá liên ngân hàng USD/VND chỉ tăng 0,4% so với cuối tháng 7 nhờ các biện pháp điều tiết từ NHNN. Trong tháng 8, đồng VND đã có một số thông tin tích cực liên quan đến nguồn cung ngoại tệ (cán cân thương mại tháng 8 ước tính thặng dư tới 2,4 tỷ USD), tuy nhiên diễn biến tỷ giá vẫn đang chịu nhiều áp lực.

Biểu hiện, trong phiên giao dịch ngày 7/9, NHNN đã phải nâng giá bán USD thêm 300 đồng. Như vậy, sau điều chỉnh giá bán ra USD theo công bố của NHNN đã tăng vọt lên 23.700 VND.

Chuyên gia SSI Research: Gần 185 nghìn tỷ đồng đã được hút khỏi hệ thống - Ảnh 3.

Điểm tích cực trong giai đoạn này (khác với thời điểm tháng 7) là diễn biến tỷ giá trên thị trường tự do tương đối ổn định, và chênh lệch với thị trường niêm yết không quá cao.

Bàn về tỷ giá, ông Nguyễn Hữu Huân – Trưởng Bộ môn Tài chính (ĐH kinh tế TP HCM) nhận xét, áp lực lên VND chỉ là những áp lực ngắn hạn chứ không phải dài hạn. Hơn nữa, kinh tế vĩ mô của Việt Nam khá ổn định, nên việc tỷ giá tăng không đáng lo ngại.

"Khi người dân có tâm lý đầu cơ tích trữ, đầu cơ, lúc đó mới là điều đáng ngại, bởi điều này sẽ dẫn đến áp lực lớn với tỷ giá chứ không phải vấn đề hiện tại", ông Huân nhấn mạnh.

Từ nay cho tới cuối năm, theo vị chuyên gia này "hoàn toàn trong tầm kiểm soát của NHNN" vì dự trữ ngoại hối của Việt Nam khá lớn, hoàn toàn có thể "dập" được cú sốc tỷ giá ở bên ngoài.


Huyền Anh
Cùng chuyên mục