Có bắt buộc đổi CMND sang thẻ Căn cước công dân?

18/10/2020 08:03 GMT+7
Bắt đầu từ 1/1/2020, cả nước sẽ thực hiện thống nhất cấp thẻ căn cước công dân. Vậy khi đang dùng Chứng minh nhân dân (CMND) thì có bắt buộc phải đổi sang thẻ Căn cước công dân?

Thống nhất cấp thẻ Căn cước công dân

Căn cứ quy định tại Luật Căn cước công dân 2014 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016) thì Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân theo quy định. Từ ngày 01/01/2020, sẽ thực hiện thống nhất cấp thẻ Căn cước công dân trên cả nước.

Tại Khoản 2 Điều 38 Luật Căn cước công dân 2014 quy định:

"2. CMND đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân."

Có bắt buộc đổi CMND sang thẻ Căn cước công dân? - Ảnh 1.

Đối với công dân đã được cấp trước ngày 01/01/2016 thì vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Đồng nghĩa công dân không phải bắt buộc đổi CMND đang còn thời hạn sử dụng sang Căn cước công dân.

Như vậy, đối với công dân đã được cấp trước ngày 01/01/2016 thì vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Đồng nghĩa công dân không phải bắt buộc đổi CMND đang còn thời hạn sử dụng sang Căn cước công dân.

Tuy nhiên, nếu công dân có yêu cầu thì được giải quyết đổi CMND sang thẻ Căn cước công dân.

Thủ tục đổi CMND sang thẻ Căn cước công dân

Theo quy định tại Thông tư 07/2016/TT-BCA (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 40/2019/TT-BCA) thì đề đổi chứng minh dân dân sang thẻ Căn cước công dân, công dân cần thực hiện các bước sau:

Bước 1:

Công dân điền vào Tờ khai Căn cước công dân tại cơ quan quản lý Căn cước công dân hoặc khai Tờ khai điện tử trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến.

Trường hợp khai Tờ khai điện tử trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến thì lựa chọn ngày, tháng, năm làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân và gửi Tờ khai đến cơ quan quản lý căn cước công dân nơi đăng ký thường trú trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến.

Bước 2:

Công dân sẽ được chụp ảnh, thu thập vân tay, đặc điểm nhận dạng tại cơ quan quản lý Căn cước công dân để in trên Phiếu thu nhận thông tin Căn cước công dân và thẻ Căn cước công dân theo quy định.

Trường hợp khai Tờ khai điện tử trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến thì công dân đến cơ quan quản lý Căn cước công dân để theo ngày, tháng, năm đã lựa chọn khi khai Tờ khai điện tử để làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân.

Bước 3:

Công dân nhận giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân từ cán bộ cơ quan quản lý Căn cước công dân.

Bước 4:

Đến nhận Giấy xác nhận số CMND, trả thẻ Căn cước công dân và số hộ khẩu (nếu có) theo thời gian và địa điểm trong giấy hẹn.

Nơi trả thẻ Căn cước công dân ở đây có thể là nơi làm thủ tục cấp thẻ hoặc địa chỉ khác do công dân lựa chọn khi khai Tờ khai Căn cước công dân.

Lưu ý:

- Thực tế tại một số địa phương, người dân cần bước xin giấy giới thiệu đổi CMND sang Căn cước công dân của công an cấp xã, sau đó mới nộp tại công an cấp huyện và làm thủ tục tại công an cấp huyện.

- Khi đi làm thủ tục, công dân cần mang theo sổ hộ khẩu để có thể xuất trình ngay khi có yêu cầu của cán bộ tiếp nhận hồ sơ (áp dụng đối với trường hợp Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân chưa đi vào vận hành), tránh mất thời gian.

- Đối với người đang mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình thì phải có người đại diện hợp pháp đến cùng để làm thủ tục theo quy định.

A.Vũ
Cùng chuyên mục