Cơ hội cho các startup Việt với thành phố thông minh
Quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trên toàn thế giới. Ước tính có đến 55% dân số toàn cầu hiện đang sinh sống tại các đô thị và dự báo khoảng 70% dân số toàn cầu sẽ chọn đô thị làm nơi sinh sống vào năm 2050.
Tại khu vực ASEAN, hơn một nửa dân số hiện đang sinh sống tại các đô thị và quá trình đô thị hóa của khu vực đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ. Việc xây dựng và triển khai các Thành phố thông minh (smart city) đang trở thành nhu cầu cấp thiết.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
5 năm qua, 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai thành phố thông minh. Trong đó, vùng Đông Nam bộ có tỷ lệ các tỉnh đã triển khai cao nhất 100% (6/6 địa phương đã triển khai).
Ngoài ra, 30 tỉnh, thành phố đã phê duyệt đề án/chương trình/kế hoạch phát triển đô thị thông minh; 15 tỉnh, thành phố đã phê duyệt kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh; 38 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp tỉnh; 21 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp đô thị, thành phố thuộc tỉnh.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra và tác động tiêu cực trên toàn cầu, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhất là đối với các quốc gia có biển dẫn đến yêu cầu phát triển đô thị thông minh bền vững là hết sức cần thiết.
Điều này có thể thấy rõ qua sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng dịch vụ công trực tuyến, giáo dục thông minh, y tế thông minh, và quản lý điều hành, dịch vụ an sinh xã hội được chuyển đổi số, thông minh hóa một cách mạnh mẽ tại các thành phố lớn.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Trần Văn Tùng đánh giá, việc Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ phát triển thành phố thông minh, cùng với chuyển đổi số quốc gia cũng chính là một cơ hội tốt cho khởi nghiệp sáng tạo công nghệ, đặc biệt là hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Được biết, Việt Nam hiện có hơn 1.400 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 196 khu làm việc chung, 69 vườn ươm doanh nghiệp và 28 tổ chức thúc đẩy kinh doanh.
Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 210 quỹ. Trong đó, 37 quỹ có pháp nhân Việt Nam. Các con số này liên tục tăng trong những năm qua, thể hiện sự tham gia tích cực của hệ sinh thái.
Ông Nguyễn Đình Thắng - thành viên sáng lập hội đồng VINASA, Chủ tịch Câu lạc bộ Đầu tư khởi nghiệp công nghệ số cho biết, proptech (công nghệ BĐS) và smart city đang là 2 làn sóng khởi nghiệp nổi lên ở Việt Nam, với các giải pháp sáng tạo tiềm năng được phát triển và đầu tư lớn.
Theo vị chuyên gia, việc xây dựng mô hình thành phố thông minh sẽ tạo ra giải pháp đột phá, giúp các địa phương tăng hiệu quả quản lý, giảm chi phí, minh bạch hơn.
Mục tiêu nhằm mang lại giá trị cho từng người dân, tạo ra môi trường sống tiện lợi và nhân văn hơn. Hệ thống đô thị Việt Nam đang phát triển vô cùng mạnh mẽ, với tỷ lệ đô thị hóa đạt 37,5% và số lượng lên tới 813 đô thị.
Đây được coi là dấu hiệu đáng mừng cho mức độ phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo nhiều hơn, đầu tư mang tính chất hiệu quả hơn, nhưng cũng đặt ra vấn đề lớn như ô nhiễm môi trường, tắc dường, cơ sở hạ tầng xuống cấp…
Đây không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là nhu cầu bức thiết của các đô thị tại Việt Nam và thế giới. Do vậy, đây cũng chính là cơ hội cho các startup Việt Nam vươn mình trở thành những kỳ lân trong tương lai khi giải được các bài toán của đô thị thông minh.
"Tôi tin là proptech và smart city sẽ là làn sóng tiếp theo của khởi nghiệp với những công nghệ mới như: AI, Big Data, IoT… Và đó là cuộc chơi lớn không chỉ dành cho các gã khổng lồ mà còn cho cả các startup", ông Nguyễn Đình Thắng đánh giá.
Đồng quan điểm, Giám đốc quỹ đầu tư Nextrans - Lê Hàn Tuệ Lâm nhận xét, đại dịch Covid-19 đã khiến các quốc gia, trong đó có Việt Nam chuyển đổi số nhanh hơn, dịch chuyển mạnh sang giao dịch không chạm; thu nhập và tích hợp dữ liệu tập trung phục vụ xử lý các vấn đề thách thức đặt ra; tăng tốc kết nối trực tuyến…
Đó là các yếu tố then chốt của các giải pháp sáng tạo dành cho thành phố thông minh, góp phần giải quyết các thách thức về quản trị cũng như xử lý những vấn đề phát triển đô thị đặt ra để đạt được các mục tiêu.
Bà Lâm thông tin thêm, các nhà đầu tư nước ngoài đang rất kỳ vọng ở thị trường Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ bất động sản, thành phố thông minh.
Bằng chứng là trong đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn tiếp nhận được một lượng vốn đầu tư nước ngoài đáng kể từ các quỹ đầu tư đổ vào lĩnh vực công nghệ bất động sản.
Dự báo sau đại dịch Covid-19, Việt Nam sẽ thu hút được nhiều nhiều khoản đầu tư nước ngoài vào các giải pháp cho thành phố thông minh, bao gồm đầu tư vào các startup khởi nghiệp Việt Nam.