Cổ phần hóa Agribank: Ai sẽ là nhà đầu tư chiến lược?
Agribank khó tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược vì "đi sau"?
Chia sẻ với PV Etime, lãnh đạo Agribank đề cập 5 lý do dẫn tới khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài ở thời điểm IPO trong giai đoạn hiện nay của nhà băng này.
Thứ nhất, theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, khi đăng ký thủ tục làm nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư phải đặt cọc 20% giá trị cổ phần đăng ký mua theo giá khởi điểm đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định trong phương án cổ phần hóa đã phê duyệt trong khi chưa biết được giá mua (giá mua sẽ được ấn định vào ngày IPO) - đây chính là một cản trở đối với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài khi có ý định trở thành đối tác chiến lược của Agribank.
Hai là, theo quy định tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài hiện nay không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam, và tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước không được vượt quá 30%.
Do vậy, nhà đầu tư chiến lược sẽ dành ít sự quan tâm khi mua cổ phần tại các doanh nghiệp mà Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần chi phối ở mức cao (đối với Agribank là từ 65% trở lên theo theo quy định hiện nay).
Bà là, thực tế triển khai của 03 ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV cho thấy khả năng thành công trong việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong thời gian cổ phần hóa (đến khi IPO) là không cao.
Đơn cử trường hợp của ngân hàng BIDV phải sau 08 năm kể từ thời điểm IPO và ngân hàng Vietcombank, Vietinbank phải sau hơn 04 năm mới tìm được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Bốn là, nhiều ngân hàng tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Australia... đã trở thành nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam nên không thể trở thành đối tác chiến lược của Agribank (theo quy đinh tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP).
Trong khi đó, việc đầu tư vào các ngân hàng thương mại tại Việt Nam của các định chế tài chính ở Châu Âu/Mỹ bị ảnh hưởng bởi các hiệp định ký kết giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu và quy định về tỷ lệ an toàn hoạt động (hệ số CAR) dẫn đến chi phí vốn cao sẽ hạn chế, không khuyến khích các định chế này đầu tư vào Việt Nam.
Cuối cùng, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, trong thời gian tới, việc đi lại của các chuyên gia nước ngoài tới Việt Nam để tiếp xúc, trao đổi, làm việc không thuận lợi do liên quan đến việc thực hiện cách ly theo quy định.
Vì vậy, việc tham gia các gói thầu lựa chọn tổ chức tư vấn phục vụ quá trình cổ phần hóa (sau khi có quyết định cổ phần hóa Agribank) của các đối tác nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng.
Vướng mắc trong xử lý pháp nhân ALCI và thoái vốn đầu tư
Việc xử lý pháp nhân ALCI và thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp khác cũng là một trong những khó khăn, vướng mắc của Agribank trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị cổ phần hóa Agribank.
"Trong thời gian qua, Agribank đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để thoái vốn tại các công ty trực thuộc, tuy nhiên tiến độ thoái vốn đầu tư còn chậm do gặp nhiều vướng mắc về các qui định pháp lý (đối với phương án xử lý ALCI), việc bán đấu giá cổ phần tại một số công ty gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, có ít nhà đầu tư quan tâm, tham gia.
Các quy định về thoái vốn có sự thay đổi, còn nhiều nội dung chưa rõ cần được hướng dẫn dẫn đến thời gian xây dựng và phê duyệt phương án thoái vốn bị chậm, phương án thoái vốn bị điều chỉnh nhiều lần hoặc phải dừng thực hiện phương án thoái vốn cũ để xây dựng lại phương án thoái vốn mới theo quy định", theo vị này.
Trước đó, báo cáo gửi đến cơ quan của Quốc hội phục vụ quá trình thẩm tra về tình hình, kinh tế xã hội trước kỳ hop thứ hai của Quốc hội khóa XV, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tiến độ cổ phần hóa của Agribank đang được đẩy nhanh.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Agribank phối hợp với Bộ Tài chính, UBND các tỉnh để khẩn trương lập, thẩm định, phê duyệt phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất theo quy định tại Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017. Đến 31/8/2021, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp đối với 2.094/2.174 cơ sở nhà, đất.
Tuy nhiên, Agribank vẫn còn 76 cơ sở nhà, đất chưa được Bộ Tài chính phê duyệt - một trong những lý do khiến cho việc cổ phần hóa nhà băng này chưa thể về đích.
Đối với gần 80 cơ sở nhà đất chưa được Bộ Tài chính phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo, hướng dẫn Agribank rà soát lại các cơ sở này để xây dựng, đề xuất phương án sắp xếp nhà đất theo quy định này nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa.