Cổ phiếu ngành giấy khởi sắc giữa bão dịch virus corona
Kết phiên 26/2, cổ phiếu GVT của CTCP Giấy Việt Trì (Vipaco) có mức giá 34.500 đồng/cp, bất chấp VN-Index giảm hơn 13 điểm do những thông tin tiêu cực về dịch Covid-19. Trong 10 phiên gần nhất, cổ phiếu GVT đã có tới 6 phiên tăng trần với thanh khoản 100-200 đơn vị, tăng gần 127%.
Kịch bản này tương tự diễn biến vào đầu tháng 3/2019 và cuối tháng 11/2018 của GVT. Trong hơn 2 tuần, thị giá GVT tăng trên 120%, trước khi "rơi" về giá cũ. Khối lượng giao dịch ở mức 100 cổ phiếu mỗi phiên.
Đà tăng của cổ phiếu diễn ra trong bối cảnh Giấy Việt Trì vẫn chưa công bố báo cáo tài chính năm 2019. Điểm lại kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cho thấy, năm 2018, Giấy Việt Trì ghi nhận doanh thu thuần 1.225 tỷ đồng, tăng 6% so với kỳ trước.
Lợi nhuận sau thuế tăng 1,3 lần đạt 37,6 tỷ đồng, nhờ giảm chi phí tài chính và chi phí quản lý. Con số này vượt 23% kế hoạch doanh thu và gấp gần 3 lần chỉ tiêu lợi nhuận. Lãi sau thuế chưa phân phối lũy kế đến hết năm 2018 ở mức 37,6 tỷ đồng.
Giai đoạn 2014-2016, Giấy Việt Trì kinh doanh ổn định, lợi nhuận đi ngang dao động 12-13 tỷ đồng mỗi năm. Đến năm 2017, công ty bắt đầu có sự thay đổi rõ khi ghi nhận doanh thu vượt 1.000 tỷ đồng với lợi nhuận hơn 16,3 tỷ đồng, tăng 33% so với năm trước.
Đến cuối 2018, tổng tài sản ở mức 452,2 tỷ đồng, giảm 15% so với đầu năm, chủ yếu do hàng tồn kho giảm 45% xuống 117 tỷ đồng.
Trong khi cổ phiếu GVT liên tiếp tăng dù không có thông tin hỗ trợ nào thì cổ phiếu DHC của CTCP Đông Hải Bến Tre lại được các nhà phân tích chứng khoán khuyến nghị mua trong thời điểm này dựa trên công suất mới thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận, dù gặp trở ngại từ dịch Covid-19.
Trên thị trường chứng khoán, một cổ phiếu ngành giấy khác là HHP của CTCP Giấy Hoàng Hà Hải Phòng cũng duy trì được mức tăng trưởng nhẹ gần 8% so với cuối năm 2019, đang giao dịch tại mức giá 12.500 đồng/cp.
Trước đó, HHP cũng đã gây ấn tượng với các nhà đầu tư tại thời điểm mới lên sàn hồi tháng 8/2018 với mức giá tham chiếu 12.600 đồng/cp. Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu HHP kết thúc phiên với giá 15.000 đồng/cp tăng 19,04%, sau đó tiếp tục tăng lên mức giá hơn 16.300 đồng hồi giữa năm 2019.
Vượt khó khan để đón cơ hội
Thực tế, ngành giấy tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ thông qua việc các doanh nghiệp áp dụng những công nghệ tiên tiến, tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về sản phẩm thân thiện với môi trường.
Theo Hiệp hội Giấy và Bột Giấy Việt Nam (VPPA), ngành giấy có bước phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng bình quân 11% giai đoạn 2000-2007 và 16% giai đoạn 2007-2017, trong đó giấy bao bì có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ dự kiến trong 5-10 năm tới là 14-18 %/năm.
Có thể nói, giấy là sản phẩm thiết yếu và ngành sản xuất giữ vai trò trọng yếu, đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế Việt Nam, đồng hành phụ trợ cho nhiều ngành sản xuất với các sản phẩm bao bì, đóng gói...
Ngoài ra, ngành giấy còn có lợi thế về mức tiêu thụ giấy bình quân nội địa hiện nay còn rất thấp, mới đạt 50,7kg/người/năm so với mức tiêu thụ bình quân của thế giới là 70kg/người/năm, Thái Lan 76 kg/người/năm, Mỹ và EU 200 – 250 kg/người/năm.
Bên cạnh đó, sự tăng trưởng mạnh mẽ ở phân khúc giấy bao bì, hộp giấy - sản phẩm phụ trợ cho thương mại điện tử, buôn bán online, bao gói sản phẩm… đã bù đắp mức sụt giảm nhu cầu sử dụng giấy in báo do sự phát triển của truyền thông kỹ thuật số.
Thực tế, theo khảo sát gần đây của VPPA, giấy bao bì, tissue đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, giấy báo suy giảm sâu, giấy in viết giảm nhẹ; bột giấy chiếm tỷ trọng hơn 40%, giấy tái chế chiếm gần 60%.
Hơn thế, những năm gần đây, hoạt động xuất khẩu Việt Nam tăng trưởng cao đã và đang kéo theo sự gia tăng mạnh về nhu cầu giấy làm bao bì, đặc biệt là đối với các ngành có tỷ trọng xuất khẩu cao như dệt may, da giày, thủy sản, linh kiện, thiết bị điện tử...
Tiềm năng của ngành giấy là không thể phủ nhận, tuy nhiên các doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước đang phải đối mặt với không ít thách thức về chính sách cũng như quy mô sản xuất.
Đáng chú ý, tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp nếu kéo dài có thể sẽ tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu, các dự án đang đầu tư, máy móc và thiết bị ngành giấy, lao động… Đặc biệt là nhiều chuyên gia từ Trung Quốc chưa thể sang Việt Nam làm việc, dẫn đến tiến độ dự án có thể bị chậm trễ…
Tình trạng xuất khẩu và tiêu thụ trong nước kém do kinh tế suy giảm có thể làm tăng hàng tồn kho, cạnh tranh cao, gây áp lực mạnh đến doanh nghiệp, nhất là năng lực sản xuất giấy bao bì với tỷ trọng trên 80% tổng công suất toàn ngành nên tác động sẽ càng lớn.