Con đường công danh của cựu Tổng giám đốc BIDV vừa tử vong

17/08/2019 15:55 GMT+7
Ông Trần Anh Tuấn, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) qua đời ngày 16/8, được cho là bị đột quỵ. Ông Tuấn chính là người từng phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT BIDV từ tháng 9/2016 đến tháng 4/ 2018 sau khi ông Trần Bắc Hà về hưu. Năm 2017, dưới sự điều hành của ông Tuấn, BIDV ghi nhận con số lợi nhuận 8.800 tỷ, cao nhất trong giai đoạn đó.

Ông Trần Anh Tuấn - nguyên ủy viên Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), nguyên tổng giám đốc BIDV đã tử vong vào ngày hôm qua 16/8.

Ông Tuấn cũng chính là người từng phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT BIDV từ tháng 9/2016 đến tháng 4/ 2018 sau khi ông Trần Bắc Hà về hưu.

Ông Trần Anh Tuấn

Ông Trần Anh Tuấn (SN 1958), nguyên quán Quảng Ngãi, sinh ra tại Yên Bái, địa chỉ thường trú tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Nắm trong tay tấm bằng thạc sĩ kinh doanh, ông Tuấn tham gia BIDV từ năm 1981.

Từ năm 1989 - 1998, ông là giám đốc Chi nhánh BIDV Gia Lai - Kon Tum rồi giám đốc Chi nhánh BIDV Gia Lai.

Từ năm 1998 - 2007 ông là Phó tổng giám đốc, thành viên HĐQT BIDV. Từ năm 2008 đến 2012, ông đảm nhận vị trí Tổng giám đốc BIDV.

Từ tháng 5/2012 ông được bầu làm Ủy viên HĐQT BIDV. Đặc biệt, trong thời gian này, ông Trần Anh Tuấn được giao nhiệm vụ Phụ trách HĐQT sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu kể từ ngày 01/09/2016.

Dù không chính thức là Chủ tịch HĐQT, nhưng đây cũng là khoảng thời gian ông ngồi ghế cao nhất trong ngân hàng khi là người thực hiện chức trách, nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch HĐQT BIDV.

Đến ngày 2/5/2018, ông Trần Anh Tuấn từ nhiệm để nghỉ hưu, nhường "ghế nóng" BIDV cho ông Bùi Quang Tiên và đến tháng 11/2018, ông Phan Đức Tú được chính thức bầu làm người kế nhiệm chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV thay ông Trần Bắc Hà sau hơn 2 năm bỏ trống.

Về kết quả hoạt động kinh doanh của BIDV trong giai đoạn ông Tuấn phụ trách điều hành BIDV thay cho ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu cũng ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực.

Theo đó, BIDV ghi nhận 8.800 tỷ lợi nhuận trước thuế năm 2017, tăng trưởng trên 14% so với năm liền trước. Đây cũng là năm ông Trần Anh Tuấn điều hành BIDV một cách trọn vẹn trên cương vị phụ trách HĐQT thời "hậu Trần Bắc Hà". Mức lợi nhuận này vượt chỉ tiêu của Đại hội đồng cổ đông của ngân hàng đề ra và là con số lợi nhuận cao nhất từ trước cho tới hết năm 2017.

Lợi nhuận khả quan chủ yếu do hoạt động kinh doanh vốn và tiền tệ năm 2017 của ngân hàng tạo được bước phát triển đột phá khi tổng thu nhập ròng từ hoạt động kinh doanh vốn và tiền tệ lần đầu tiên đạt mốc 2.000 tỷ đồng - cao nhất trong 10 năm, tăng trưởng 36,7% so với 2016.

Đây cũng là năm BIDV ghi nhận mức chênh lệch thu chi đạt kết quả tốt nhất từ trước thời điểm đó, đạt 24.032 tỷ đồng, tăng trưởng 44% so với 2016.

Bên cạnh đó, tổng tài sản của BIDV đạt 1.176.000 tỷ đồng, tăng trưởng 16,7% so với năm 2016, tăng 8,42% so với cùng kỳ năm trước. Tổng nguồn vốn huy động đạt 1.106.517 tỷ đồng, tăng 17,9% so với năm 2016. Tổng quy mô tín dụng và đầu tư đạt gần 1.1136.778 tỷ đồng, tăng trưởng 18% so với năm trước. Trong đó cho vay nền kinh tế đạt 862.604 tỷ đồng, tăng trưởng 17%, chiếm 13,12% quy mô tín dụng toàn ngành ngân hàng.

Tuy quy mô dư nợ của BIDV năm 2017 vẫn tiếp tục tăng trưởng cao song dư nợ xấu đã được kiểm soát giảm nhẹ xuống còn 1,62%. Về chất lượng nợ, BCTC hợp nhất đã kiểm toán của BIDV năm 2017 cho thấy, nợ xấu (nhóm 3-5) đã giảm khoảng 365 tỷ đồng xuống còn hơn 14.064 tỷ đồng. Trong số này, dư nợ nhóm 4 tăng gấp 5 lần so với đầu năm lên mức 5.084 tỷ đồng, còn nợ nhóm 3 và 5 lại giảm đáng kể. Riêng nợ nhóm 5- có nguy cơ mất vốn giảm được 1.700 tỷ đồng xuống còn 5.230 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37% tổng quy mô nợ xấu của ngân hàng.

PV
Tags:
Cùng chuyên mục