Con gái bầu Đức hoàn tất mua vào 4 triệu cổ phiếu HAG
Theo tin từ CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG), bà Đoàn Hoàng Anh – con gái của Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức vừa hoàn tất mua 4 triệu cổ phiếu HAG theo phương thức khớp lệnh qua sàn từ ngày 11/8 đến 20/8.
Bà Đoàn Hoàng Anh trước đó chưa sở hữu cổ phiếu HAG và đợt mua này được thực hiện theo phương khớp lệnh trên sàn.
Sau khi mua vào, bà Hoàng Anh trở thành cổ đông tại doanh nghiệp của cha mình với tỷ lệ sở hữu 0,43%.
Trong khoảng thời gian này, cổ phiếu HAG có xu hướng giảm giá về quanh 5.100 đồng/cổ phiếu, tương đương với thị giá hồi đầu tháng 8. Ước tính tại mức giá này, con gái của bầu Đức đã phải chi khoảng 20,44 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch.
Bà Đoàn Hoàng Anh còn được biết là cá nhân tham gia góp vốn cũng như điều hành tại chuỗi cà phê Ông Bầu. Cà phê Ông Bầu thành lập vào cuối năm 2019 dưới hình thức công ty cổ phần có vốn 100 tỷ đồng, trong đó con gái bầu Đức là người góp vốn 24,5%.
Các cổ đông còn lại trong chuỗi cà phê này là Tổng giám đốc Trần Thị Kim Oanh đóng góp 51% vốn và là người có liên quan đến công ty NutiFood. Người còn lại là ông Võ Quốc Lợi, đang là Phó tổng giám đốc Kienlongbank và là con trai doanh nhân Võ Quốc Thắng.
Trong lần chia sẻ ra mắt chuỗi, bầu Đức tuyên bố thương hiệu Ông Bầu sẽ làm cà phê sạch, từ lúc trồng, thu hoạch cho đến chế biến tới người tiêu dùng. "Bây giờ thì tôi đã bắt đầu tập uống cà phê và tự tin uống rất ngon. Tôi khẳng định chúng tôi làm cà phê thật và rất minh bạch. Nếu ai đi kiểm nghiệm, phát hiện cà phê Ông Bầu dỏm thì tìm ông Đức chửi", bầu Đức nói.
Trở lại với HAGL, hiện bầu Đức cũng đang nắm giữ gần 320 triệu cổ phần HAG, tương đương 34,5% vốn.
Một số thành viên khác trong gia đình cũng nắm lượng nhỏ cổ phần như bà Nguyễn Thị Thơm (mẹ ruột ông Đức) nắm 150.375 cổ phiếu; ông Đoàn Nguyên Thịnh (em trai) nắm 488.934 cổ phiếu; ông Lê Văn Kế (em rể) nắm 320.620 cổ phiếu… Như vậy tổng tỷ lệ sở hữu của nhóm gia đình bầu Đức hiện vào khoảng gần 35,1% cổ phần công ty.Gần đây HAGL đang có những động thái rất đáng chú ý, công ty thông báo sẽ lấy ý kiến liên quan đến việc dùng thặng dư vốn cổ phần để xử lý lỗ lũy kế và một số điều chỉnh liên quan đến việc họp cổ đông, nghiệp vụ với các bên liên quan, quy chế hoạt động của Hội đồng quản trị…
Tính đến hết quý II, lỗ lũy kế tập đoàn này lên đến 7.549 tỷ đồng trong khi giá trị thặng dư cổ phần đang có 3.264 tỷ đồng. Như vậy dù sử dụng hết nguồn thặng dư trên, công ty cũng vẫn còn khoản lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng.
Bầu Đức cũng thay mặt ban lãnh đạo tập đoàn gửi thư xin lỗi đến nhà đầu tư khi phải tạm hoãn tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 và dự kiến lùi lại đến tháng 9.
Vị doanh nhân cho biết thêm HAGL thời gian tới sẽ tập trung 2 mảng kinh doanh chủ lực là chăn nuôi heo và trồng cây ăn trái. Đồng thời tập đoàn cũng khẳng định cơ bản đã hoàn thành việc tái cơ cấu tài chính, cũng như có kế hoạch thanh lý một số tài sản và thu hồi nợ để hoàn tất trả nợ trái phiếu này trước cuối năm 2025.
Cũng tại báo cáo quý II, HAGL ghi nhận doanh thu thuần quý gần nhất giảm 16% về 535 tỷ đồng. Tuy nhiên tập đoàn lại có lãi bất ngờ 86 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 65 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái và kết thúc chuỗi 8 quý chìm trong thua lỗ.
Tính chung 6 tháng, HAGL ghi nhận doanh thu 823 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên hiệu quả tái cơ cấu được nhìn thấy với mức lãi ròng 28 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với con số lỗ 1.156 tỷ cùng kỳ năm ngoái.
Trong một diễn biến khác, HAGL từng đăng ký bán 51,5 triệu cổ phần HNG tại Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai trong thời gian từ 7/7 đến 5/8 nhưng thực tế không bán cổ phiếu nào với lý do "diễn biến thị trường không thuận lợi".