Vietcombank: Lợi nhuận tăng mạnh, nợ xấu gần đủ mua OCB
Lợi nhuận tăng mạnh
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2019 với nhiều chỉ tiêu lạc quan. Theo đó, lợi nhuận sau thuế trong kỳ đạt 5.052 tỷ đồng, tăng 2.114 tỷ đồng, tương ứng 71,8% so với quý 3/2018, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 14.127 tỷ đồng, tăng 4.749 tỷ đồng, tương ứng 50,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là mức lợi nhuận theo quý cao nhất lịch của Vietcombank nói riêng và của các đơn vị trong ngành ngân hàng nói chung. Lợi nhuận ròng 4 quý gần đây nhất của Vietcombank "chỉ" là 2.935 tỷ đồng (quý 3/2018), 3.956 tỷ đồng (quý 4/2018), 4.707 tỷ đồng (quý 1/2019) và 4.361 tỷ đồng.
Vietcombank lãi lớn khi tất cả các hoạt động đều khởi sắc, trong đó đáng chú ý nhất là thu nhập lãi thuần.
Trong quý 3, thu nhập lãi thuần tại Vietcombank tăng từ 7.432 tỷ đồng lên 8.859 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 25.938 tỷ đồng, tăng 5.509 tỷ đồng, tương đương 27% so với 9 tháng đầu năm 2018.
Trong 9 tháng đầu năm, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng từ 2.628 tỷ đồng lên 3.423 tỷ đồng, từ hoạt động ngoại hối tăng từ 1.609 tỷ đồng lên 2.536 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư và kinh doanh sụt giảm nhẹ nhưng tỷ trọng lợi nhuận từ hai hoạt động này rất khiêm tốn nên không ảnh hưởng nhiều tới "bức tranh" lợi nhuận chung của Vietcombank.
Lợi nhuận tăng bất chấp lãi suất giảm
Lợi nhuận quý 3/2019 của các ngân hàng được thị trường trông đợi kể từ hồi tháng 7, khi Vietcombank thêm một lần nữa "mở màn" cho đợt giảm lãi suất cho vay nhằm hưởng ứng chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 và định hướng của Ngân hàng Nhà nước, tiếp sau đợt giảm lãi suất lần đầu vào tháng 1/2019.
Cụ thể, từ ngày 01/08/2019 đến hết ngày 31/12/2019, Vietcombank áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam ở mức tối đa là 5,5%/năm, giảm 1,0%/năm so với mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Chính sách giảm lãi suất không được áp dụng trên diện rộng mà chỉ hướng tới một số lĩnh vực ưu tiên. Chính sách này áp dụng cho tất cả các khoản cho vay hiện hữu và các khoản cho vay mới thuộc các lĩnh vực: phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn Luật thương mại; phục vụ kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ về trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ theo quy định của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ; phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao và các văn bản hướng dẫn Luật công nghệ cao; lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cho vay doanh nghiệp khởi nghiệp.
Dù chính sách này chỉ áp dụng cho một số lĩnh vực ưu tiên nhưng nhiều cổ đông vẫn lo ngại lợi nhuận quý 3/2019 của Vietcombank sẽ bị ảnh hưởng lớn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lợi nhuận trong kỳ tại Vietcombank không những không sụt giảm mà còn tăng chóng mặt.
Nợ xấu gần đủ mua OCB
Có thể thấy, Vietcombank là ngân hàng thu được lợi nhuận lớn nhất trong 9 tháng đầu năm 2019. Dù vậy, ngân hàng này vẫn còn một số vấn đề cần phải quan tâm. Đó là nợ xấu tăng đáng kể. Tại thời điểm cuối quý 3/2019, tổng nợ xấu tại Vietcombank đạt 7.625 tỷ đồng, chiếm 1,08% tổng dư nợ tín dụng.
1,08% không phải là con số lớn, đặc biệt khi so sánh với "mức trần" 3% mà Ngân hàng Nhà nước quy định. Tuy nhiên, so với chính bản thân Vietcombank, nợ xấu đang có xu hướng gia tăng đáng kể. Tổng nợ xấu tăng 1.410 tỷ đồng, tương ứng 22,5% so với hồi đầu năm nay. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1% lên 1,08%.
Trong tổng nợ xấu, đáng kể nhất là chỉ tiêu nợ dưới tiêu chuẩn tăng 948 tỷ đồng, tương ứng 325% lên 1.241 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa nhiều khoản tín dụng được cấp trong thời gian gần đây không có chất lượng tốt.
Số tiền 7.625 tỷ đồng nợ xấu tại Vietcombank gần đủ để mua Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) nếu tính theo phần vốn điều lệ vừa mới tăng 7.898 tỷ đồng.
Điều đáng nói, trong khi nợ xấu tăng đáng kể, Vietcombank lại bất ngờ giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Trong quý 3, Vietcombank chi 1.503 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 1.762 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng, chi phí này chỉ đạt 4.819 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.