Đã đến lúc Trung Quốc thừa nhận không còn là nước đang phát triển!
Trung Quốc rõ ràng không còn là một nước nghèo sau 4 thập kỷ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định.
Theo dữ liệu mới nhất, nền kinh tế Trung Quốc đã hồi phục trở lại trong quý II/2020, với mức tăng trưởng GDP đạt 3,2% trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới tăng trưởng âm do cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Hồi đầu năm nay, Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc đã công bố dữ liệu cho thấu GDP bình quân đầu người năm 2019 của nước này đã lần đầu vượt mức 10.000 USD. Một cuộc khảo sát tư nhân khác thì chỉ ra Trung Quốc có số tỷ phú trên tổng dân số lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ.
Mức tăng trưởng kinh tế bền vững của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ đã khiến Mỹ và một số quốc gia phát triển khác lập luận rằng đã đến lúc Trung Quốc từ bỏ tư cách nước đang phát triển, từ bỏ mọi quyền lợi mà WTO và các hiệp định quốc tế khác dành cho thị trường mới nổi.
Nhưng Bắc Kinh không đồng thuận với điều này. Chính phủ Trung Quốc sử dụng những số liệu tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, tỷ lệ mù chữ ở người trưởng thành cũng như tuổi thọ trung bình của người dân để kết luận rằng nước này vẫn nên được coi là một nền kinh tế đang phát triển.
Sự thật là Trung Quốc hiện kém các nước phát triển về mức thu nhập bình quân đầu người, mức sống của người dân… Nhưng những thách thức mà nước này đang đối mặt thì hoàn toàn không giống các quốc gia đang phát triển như Myanmar hay Lào, mà tương tự hơn với các nền kinh tế “tham vọng” như Thổ Nhĩ Kỳ. Các quốc gia này đang đối mặt với nhu cầu phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, tính thương hiệu hoặc công nghệ cao hơn vì không thể dựa vào chi phí sản xuất thấp để thúc đẩy phát triển kinh tế. Họ có thể bị kẹt vào bẫy thu nhập trung bình, tức mức tăng trưởng có xu hướng chậm lại hoặc thậm chí trì trệ ở khoảng 12.000 USD/ năm như đã xảy ra ở Ai Cập, Nam Phi
Trung Quốc đã đi được một chặng đường dài kể từ thập niên 70 đến nay, khi thu nhập bình quân đầu người của nước này chỉ đạt khoảng 120 USD/ người/ năm. Các cuộc cải cách kinh tế đã thúc đẩy tăng trưởng GDP nhảy vọt. Năm 1997, Ngân hàng Thế giới WB công nhận Trung Quốc là nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp. Nhưng đến năm 2010, WB đã nâng cấp Trung Quốc lên thành quốc gia có mức thu nhập trên trung bình.
Điều ấn tượng nhất mà chính phủ Trung Quốc đạt được không phải tốc độ tăng trưởng lớn, vì Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nền kinh tế Châu Á khác đã có mức tăng trưởng dài hạn tương đối mạnh mẽ. Nhưng trong trường hợp của Trung Quốc, tăng trưởng GDP nước này đã ổn định ở mức cao trong hơn 4 thập kỷ.
Trung Quốc ngày nay đang tập trung phát triển nâng cao chuỗi giá trị để vươn lên thành nhà lãnh đạo công nghệ toàn cầu. Không giống một số nước phương Tây, các công ty nhà nước Trung Quốc đang trở thành nòng cốt trong việc tiếp thu và cải tiến công nghệ nước ngoài để nâng cao năng lực ngành công nghiệp nội địa. Tuy nhiên, khi nước này đạt tới mức thu nhập bình quân từ 12.000 USD đến 15.000 USD trong thập kỷ tới, những sự cải tiến như vậy sẽ đem lại ít giá trị hơn. Các công ty Trung Quốc sẽ phải phát triển thêm những công nghệ trong nước và đẩy mạnh giá trị thương hiệu thông qua cải thiện chất lượng, dịch vụ sản phẩm. Chính phủ có thể tạo điều kiện nhưng các doanh nghiệp tư nhân mới là những người đi đầu.
Nếu không có khả năng phát triển các sản phẩm khác biệt, có giá trị gia tăng cao, các nước đang phát triển khó có thể vươn lên hàng ngũ các nước phát triển. Và Trung Quốc có thể sẽ học được từ những người láng giềng lớn mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc nhiều điều.
(Bài phân tích của Giáo sư David Ahlstrom, quyền Chủ tịch Khoa Quản lý Trường Đại học Kinh doanh Hồng Kông Trung Quốc)