Đặc sản hồng Đà Lạt bắt đầu tăng giá, đầu ra ổn định
Hồng là loại cây ăn quả trái được trồng tại Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng. Mặc dù được xem là đặc sản nhưng nhiều năm qua, trái cây này vẫn chưa có đầu ra ổn định, thường xuyên bị mạo danh khiến nông dân thu nhập bấp bênh.
Trước thực tế này, Lâm Đồng đã triển khai Dự án tạo lập, quản lý, phát triển nhãn hiệu chứng nhận hồng Đà Lạt và được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ độc quyền vào giữa năm nay. Để phát triển thương hiệu, đưa loại trái cây đặc sản này trở thành một trong những cây trồng chủ lực, chính quyền địa phương nơi đây đang triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy.
Nếu thời điểm này của những năm trước, hồng ăn trái của tỉnh Lâm Đồng thường xuyên rớt giá, người trồng hồng thu nhập bấp bênh thì nay tình trạng này đã dần được cải thiện. Hầu hết các sản phẩm qua sơ chế và chế biến từ quả hồng đều tăng giá, đầu ra ổn định khiến cây trồng đặc hữu của xứ này từng bước lấy lại được chỗ đứng trong cơ cấu cây trồng của địa phương.
Theo ông Lê Minh Tuấn, ở thị trấn D’Ran, huyện Đơn Dương, từ ngày được cấp nhãn hiệu hồng Đà Lạt, nguồn thu nhập từ vườn hồng của gia đình đã tăng lên đáng kể. Cây hồng được gia đình đầu tư chăm sóc nhiều hơn nên chất lượng, mẫu mã trái hồng cũng ngày càng được nâng cao, đặc biệt là từng bước chuyển sang hướng canh tác hữu cơ.
“Giá thành thì cao gấp đôi hoặc gấp ba so với trước. Tôi canh tác theo hướng hữu cơ nên không dùng thuốc diệt cỏ, chỉ có thuê công phát cỏ và sử dụng phân bón hữu cơ” - ông Tuấn cho biết.
Ngoài sản phẩm hồng ăn trái tươi, quả hồng còn được chế biến thành các sản phẩm đặc sản mang thương hiệu Đà Lạt như hồng sấy, hồng khô công nghệ Nhật Bản, Hàn Quốc cũng là sản phẩm được các tổ chức, cá nhân và các cơ sở kinh doanh sử dụng nhãn hiệu hồng Đà Lạt hướng tới.
Ông Mai Xuân Long, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Đất Làng, ở xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt cho biết, ngay khi có được nhãn hiệu chứng nhận hồng Đà Lạt, loại trái cây này đã có sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Hiện đơn vị đang mở rộng việc liên kết sản xuất với nông dân để đảm bảo đầu ra và nâng cao chất lượng cho sản phẩm cây hồng của thương hiệu Đà Lạt.
Theo ông Long: “Khi có được nhãn hiệu chứng nhận hồng Đà Lạt đã đem lại thương hiệu cho cây hồng ăn trái. Nông dân thì đẩy mạnh việc chăm sóc vườn để nâng cao được giá trị của vùng nguyên liệu trái hồng. Khi nông dân tham gia liên kết sản xuất thì việc chăm sóc đều theo đúng quy trình kỹ thuật, nâng cao giá trị cho trái hồng lên”.
Với sự nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp và người nông dân, nhãn hiệu hồng Đà Lạt đã được xây dựng thành công và đang từng bước phát triển. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt, để thương hiệu hồng Đà Lạt được duy trì và phát triển ổn định thì còn có nhiều việc phải làm.
Ông Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: “Thành phố Đà Lạt có nhiều việc cần phải làm để hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, các hộ nông dân sử dụng đúng mục đích, đúng nhãn hiệu và bảo hộ được sản phẩm của mình khi đưa ra thị trường, đảm bảo nâng cao được chất lượng cũng như uy tín thương hiệu hồng Đà Lạt.
Chúng tôi cũng sẽ có những chương trình hỗ trợ cải tạo về giống, hỗ trợ kỹ năng, kỹ thuật trong sản xuất, chế biến sản phẩm, bảo quản, đóng gói để đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, chúng tôi đã kiến nghị với Sở Công thương, Trung tâm xúc tiến, đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Lâm Đồng kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước để đưa sản phẩm ra thị trường”.
Xây dựng và bảo vệ nhãn hiệu hồng Đà Lạt là một hướng đi quan trọng mà Đà Lạt – Lâm Đồng đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện. Hy vọng với sự quan tâm và hỗ trợ tích cực nhiều phía từ các cơ quan chức năng, sản phẩm hồng ăn trái Đà Lạt sẽ nhanh chóng có được chỗ đứng trên thị trường trong nước và xuất khẩu./.