Căn cước công dân gắn chip: Ai phải đổi?

10/10/2020 06:35 GMT+7
Dự kiến việc cấp Căn cước công dân gắn chip sẽ được triển khai trong tháng 11/2020 tới đây. Vậy đối tượng nào phải đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip?

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1368/QĐ-TTg, trong đó đồng ý với chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân gắn chip; tổng vốn đầu tư gần 2.700 tỷ đồng.

Đây chính là tiền đề pháp lý quan trọng để việc cấp Căn cước công dân gắn chip được triển khai sớm trong thời gian tới.

Căn cước công dân gắn chip: Ai phải đổi? - Ảnh 1.

Thẻ căn cước công dân sẽ được gắn chip trong thời gian tới (Ảnh minh họa)

Hiện nay, Căn cước công dân đã được cấp tại 16 tỉnh, thành trên cả nước, tuy nhiên mới chỉ là mẫu có gắn mã vạch. Mẫu Căn cước công dân gắn chip được cho là có nhiều ưu điểm hơn mẫu có mã vạch, như: Tích hợp được nhiều thông tin của công dân hơn; Liên kết với các thông tin khác về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe…

Được biết, dự kiến việc cấp Căn cước công dân có gắn chip sẽ được triển khai trong tháng 11/2020 tới đây.

Đây là thắc mắc của đông đảo người dân sau khi có thông tin về việc Căn cước công dân sẽ có một diện mạo mới là được gắn chip.

Theo đại diện của Bộ Công an, công dân đang sử dụng chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân mã vạch còn thời hạn sử dụng thì vẫn được tiếp tục sử dụng. Khi hết thời hạn sử dụng, hoặc khi bị mất, hỏng… thì được cấp đổi sang Căn cước công dân có gắn chip.

Căn cước công dân gắn chip vẫn giữ nguyên số như Căn cước công dân mã vạch. Do đó, khi đổi sang mẫu có gắn chip, các giao dịch của công dân vẫn được thực hiện bình thường mà không có bất cứ phiền phức nào.

Khi bắt đầu cấp thẻ Căn cước công dân gắn chip, sẽ có đồng thời 4 mẫu căn cước cùng có hiệu lực, có giá trị sử dụng gồm: Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số, Căn cước công dân mã vạch và Căn cước công dân gắn chip.

A.Vũ
Cùng chuyên mục