Đàm phán Mỹ Trung tiến triển, vì sao nông nghiệp Mỹ vẫn chưa thấy cửa sáng?
Ở phía Bắc Dakota thời điểm này, những cánh đồng ngô bạt ngàn đang bị phủ đầy bởi tuyết. Kể từ sau khi chiến tranh thương mại Mỹ Trung bùng nổ và xuất khẩu đậu nành gặp khó, người nông dân nơi đây đã chuyển hướng sang cây ngô. Nhưng giờ đây, thời tiết khắc nghiệt đã chặn đứng đa số tâm lý lạc quan.
Nông dân tại các bang Texas, Kansas hay Colorado đang cân nhắc xem liệu họ có nên trồng thêm ngô hay lúa miến trong bối cảnh bất ổn thương mại và Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu các sản phẩm này hay không. Không quá đáng khi nói rằng nông dân Mỹ vừa trải qua vụ thu hoạch tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Bước sang vụ gieo trồng mới, họ lại đối mặt với bài toán trồng cây nào để kiếm lời trong xuất khẩu. Scott Beck - chủ tịch của Beck Drake Hybrids, công ty hạt giống bán lẻ lớn nhất nước Mỹ mới đây tiết lộ rằng doanh số bán hạt giống ngô cho mùa vụ 2020 đã tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 13/12 tuyên bố Trung Quốc đã đồng ý tăng cấp đôi kim ngạch nhập khẩu nông sản Mỹ, tức nhập khẩu khoảng 40-50 tỷ USD nông sản như một phần của thỏa thuận thương mại. Nhưng cho đến nay, Bắc Kinh chưa hề xác nhận thông tin như vậy. Thỏa thuận giai đoạn 1 dự kiến sẽ được ký kết hôm 15/1 tới tại Washington, và nội dung chi tiết của thỏa thuận chỉ được tiết lộ khi các thủ tục ký kết đã hoàn tất. Tức là cho đến giờ phút này, vẫn chưa có gì chắc chắn về thỏa thuận Mỹ Trung cũng như cam kết mua nông sản.
Nhiều nông dân Mỹ đang cố gắng chuyển đổi cây trồng để tránh bị ảnh hưởng nặng nề do căng thẳng Mỹ Trung. Diện tích trồng đậu nành trên toàn nước Mỹ đã giảm 14,3% trong năm 2019, chỉ còn 76,5 triệu mẫu Anh. Diện tích trồng lúa miến (loại cây được sử dụng phổ biến trong chế biến thức ăn chăn nuôi) cũng giảm 7,5% xuống còn 5,3 triệu mẫu Anh. Các chuyên gia phân tích dự đoán con số này có thể đã giảm sâu hơn nếu không có gói cứu trợ nông nghiệp 24,5 tỷ USD mà chính quyền Trump phê duyệt để bù đắp cho người nông dân bị ảnh hưởng bởi thương chiến. Nhưng Nhà Trắng không hứa hẹn những khoản trợ cấp tiếp theo trong năm 2020, và chính người nông dân cũng không muốn nhận trợ cấp. “Nông dân Mỹ thà rằng tìm đường xuất khẩu nông sản còn hơn ngồi chờ viện trợ Chính phủ” - Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue cho hay.
Nông dân không chỉ là một trong những lực lượng ủng hộ chính trị đông đảo của Trump trong cuộc đua tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 2020, mà còn giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế Mỹ. Việc nông nghiệp khởi sắc và sự ủng hộ của nông dân chắc chắn sẽ là tấm thảm lót đường đặc biệt cho ngài Tổng thống trên hành trình tranh cử.
Hiện tại, thông tin từ tờ Reuters cho hay đa số nông dân vẫn ủng hộ tiến trình tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 2020 của Donald Trump bất chấp những thiệt hại trong ngắn hạn, vì họ mong đợi cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc cuối cùng sẽ đưa đến những cam kết cải thiện quy mô nhập khẩu nông sản Mỹ từ phía Bắc Kinh.