Nông dân Mỹ "ngồi trên đống lửa" chờ Mỹ - Trung ký thỏa thuận

29/11/2019 16:57 GMT+7
Một trong những vấn đề trọng tâm của thỏa thuận thương mại Mỹ Trung giai đoạn 1 được xem là cam kết mua 40-50 tỷ USD nông sản Mỹ của Trung Quốc. Nhưng đàm phán dường như đang có dấu hiệu bế tắc khi phía Bắc Kinh lật lại cam kết, muốn mua nông sản Mỹ theo nhu cầu thị trường mà không phải một con số cụ thể.
Nông dân Mỹ "ngồi trên đống lửa" chờ Mỹ - Trung ký thỏa thuận thương mại - Ảnh 1.

Nông dân Mỹ có nguy cơ lao đao do thỏa thuận Mỹ Trung đến muộn

Theo các nhà phân tích, nông dân Mỹ rất có thể sẽ bỏ lỡ những chuyến hàng nông sản đến Trung Quốc nếu không đạt thành thỏa thuận thương mại trước mùa xuất khẩu đậu nành của Brazil và Argentina vào cuối tháng 2. Dù Mỹ và Trung Quốc trong thời gian qua nỗ lực xúc tiến thỏa thuận thương mại nhưng chưa có thông tin cụ thể nào mang tính khẳng định về thời gian ký kết. Nhiều chuyên gia quan ngại có khả năng thỏa thuận thương mại sẽ bị trì hoãn sang năm 2020, nhất là sau khi Tổng thống Donald Trump ký thông qua đạo luật Dân chủ và Nhân quyền cho Hồng Kông, điều mà Bắc Kinh quyết liệt lên án.

Một báo cáo từ Shanghai JC Intelligence vừa công bố chỉ ra rằng nguồn cung đậu nành từ Nam Mỹ có khả năng đáp ứng toàn bộ nhu cầu tại thị trường Trung Quốc. Điều đó đồng nghĩa với việc quá trình đàm phán thương mại kéo dài thêm 2 tháng nữa sẽ khiến nông dân Mỹ bỏ lỡ vụ xuất khẩu nông sản đầu năm. Tức là ngành nông nghiệp Mỹ tiếp tục đối diện với khó khăn tài chính khi lượng hàng tồn kho nông sản tăng cao.

Nông sản Mỹ hầu như vắng bóng trên thị trường Trung Quốc trong suốt 16 tháng qua, sau khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại đầy cay đắng. Những mức trừng phạt thuế quan khổng lồ với hàng trăm tỷ USD hàng hóa đã làm suy yếu tới 90% doanh số xuất khẩu đậu tương từ Mỹ sang Trung Quốc so với hồi năm 2017, khi thương chiến chưa bùng nổ. 

Báo cáo cũng chỉ ra rằng vào năm 2015, nếu như sản lượng xuất khẩu đậu nành từ Mỹ sang Trung Quốc lớn hơn Brazil tới 10% thì năm 2019, sản lượng đậu nành xuất khẩu của quốc gia Nam Mỹ này dự kiến lớn hơn Mỹ tới 27%. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc thậm chí đề xuất đầu tư hàng tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng nông nghiệp tại Brazil nhằm đảm bảo nguồn cung đậu nành dài hạn cho thị trường tỷ dân.

Một thị trường nông sản mới nổi khác cung cấp cho Trung Quốc là Argentina. Tính riêng trong năm nay, các công ty Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 6 triệu tấn đậu nành Argentina trên tổng số khoảng 85 triệu tấn nhu cầu. Cho đến tháng 10/2019, gần như 100% đơn hàng đậu nành từ Argentina đã được vận chuyển đến Trung Quốc. Hồi tháng 9/2019, lần đầu tiên Trung Quốc mở cửa thị trường cung cấp thức ăn chăn nuôi cho các nhà xuất khẩu từ Argentina, điều được xem như một thỏa thuận có ý nghĩa lịch sử. Nông dân Argentina cũng đang chờ đợi một vụ mùa bội thu trong năm 2020 để tiếp tục những đơn hàng xuất khẩu khối lượng lớn. 

Một nhà xuất khẩu đậu nành tại Argentina, ông Rogier Kievet cho hay: “Nông dân Argentina có vẻ như đang kỳ vọng những nỗ lực đạt được thỏa thuận Mỹ Trung tiếp tục đổ vỡ. Đối với họ, một thỏa thuận lúc này không phải điều tuyệt vời”. Thực chất, nhận định của ông Kievet ngụ ý quan ngại thỏa thuận Mỹ Trung với nội dung cam kết nhập khẩu 50 tỷ USD nông sản Mỹ có thể giết chết mối quan hệ thương mại mới nổi Trung Quốc - Argentina. 

Trái ngược hoàn toàn với tâm trạng của nông dân Argentina, nông dân Mỹ đang nóng lòng chờ đợi thỏa thuận thương mại hơn bao giờ hết. Trong năm nay, chính quyền Trump đã phải tung gói cứu trợ trị giá tới 20 tỷ USD cho ngành nông nghiệp để xoa dịu những thiệt hại nặng nề từ thương chiến Mỹ Trung. Một thỏa thuận lúc này sẽ đi kèm cam kết mua nông sản như Tổng thống Donald Trump hứa hẹn, mở ra cánh cửa sáng cho ngành nông nghiệp Mỹ. Rob Hatchett, chuyên gia kinh tế cấp cao từ Doane Advisory Services cho hay: “Nông dân Mỹ đang “ngồi” trên đậu nành và chờ đợi thỏa thuận ký kết trước vụ thu hoạch của Nam Mỹ”. 

Một tin tức tích cực là nhiều thống kê chỉ ra ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc đang phục hồi nhanh chóng từ sau cơn sốt dịch tả lợn Châu Phi, đồng nghĩa với việc nhu cầu đậu nành và thức ăn chăn nuôi sẽ tăng nhanh chóng. Theo dữ liệu từ Bộ thương mại Mỹ, đơn đặt hàng đậu nành nhập khẩu từ Mỹ của Trung Quốc đã tăng 25% trong tuần trước.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục