Lạm phát giá thịt lợn tại Trung Quốc là cơ hội cho nông dân Mỹ kiếm tiền
Kể từ năm ngoái đến nay, nền kinh tế Trung Quốc một mặt đối phó với đòn giáng thương mại từ Mỹ, mặt khác chống chọi với cơn sốt dịch tả lợn Châu Phi trong nước. Các chuyên gia phân tích ước tính quy mô đàn lợn của nước này có thể đã giảm tới một nửa, và tình hình thiếu nguồn cung thịt sẽ ngày càng trầm trọng khi dịp Tết Nguyên đán đến gần. Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ và xuất khẩu lợn lớn nhất thế giới.
Thống kê từ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc chỉ ra khối lượng cần thiết để xoa dịu cơn khát thịt lợn tại nước này có thể lên tới 10 triệu tấn, vượt xa cả tổng khối lượng xuất khẩu thịt lợn trên toàn thế giới. Nghiêm trọng hơn, so với hồi năm ngoái, giá thịt lợn năm nay của Trung Quốc đã tăng gấp đôi và còn có xu hướng tăng cao hơn nữa do nhu cầu dịp cuối năm. Chỉ tính trong tháng 9/2019, giá thịt lợn Trung Quốc đã lạm phát khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo cơ quan phân tích BRIC-Agri Info có trụ sở tại Bắc Kinh, hồi tháng 12 năm ngoái, giá thịt lợn Trung Quốc đang rơi vào khoảng 22,5 NDT/ kg. Nhưng hồi tuần trước, tức giữa tháng 10/2019, giá thịt lợn đã tăng tới 42,26 NDT/kg, dữ liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc công bố.
Rõ ràng, sự thiếu hụt nhu cầu trong nước sẽ thúc đẩy Trung Quốc tăng mua nông sản Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm thịt lợn, thịt thay thế thịt lợn và đậu nành. Hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố Trung Quốc cam kết mua 40-50 tỷ USD nông sản Mỹ dựa trên nội dung thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Dù Bắc Kinh chưa lên tiếng xác nhận con số này, nhưng các quan chức Trung Quốc đã khẳng định nước này sẽ tăng cường nhập khẩu nông sản Mỹ theo nhu cầu trong nước.
Tăng nhập khẩu từ Mỹ sẽ góp phần giải quyết khủng hoảng thịt lợn ở Trung Quốc
Ông He Weiwen, thành viên hội đồng quản trị Hiệp hội Thương mại Quốc tế Trung Quốc nhận định một thỏa thuận giai đoạn 1 lúc này sẽ có ý nghĩa tích cực với Trung Quốc. Cam kết mua nông sản Mỹ không chỉ giúp Bắc Kinh thể hiện thiện chí đàm phán mà còn làm dịu đi phần nào khủng hoảng thiếu hụt nguồn cung thịt trong nước.
Tuy nhiên, Trung Quốc muốn Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn các mức thuế quan thay vì đình chỉ một phần. Trì hoãn thuế quan không có ý nghĩa gì với Bắc Kinh, vì mối đe dọa vẫn tiềm tàng ở đó. Đây là điểm quan trọng trong đàm phán thương mại.
Hôm 17/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cao Phong đã nhấn mạnh Bắc Kinh muốn Mỹ hủy bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan nếu muốn tiến tới thỏa thuận cuối cùng,
Ông He Weiwen đồng thời nhận định: “Tôi nghĩ rằng sẽ có thêm các cuộc thảo luận về việc Trung Quốc tăng mua thịt lợn và đậu nành từ Mỹ”. Đậu nành hiện là nguồn thức ăn gia súc chủ yếu tại đất nước tỷ dân này. Tuy quy mô đàn lợn đã giảm mạnh do dịch tả lợn Châu Phi, nhưng nhu cầu đậu nành ít có xu hướng giảm do chính quyền đang khuyến khích người dân gây dựng lại đàn lợn và chuyển sang chăn nuôi gia súc khác.
Dữ liệu hải quan năm 2017 chỉ ra thịt lợn xuất xứ từ Mỹ chiếm tới 14% tổng kim ngạch nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ đó đã giảm chỉ còn 8% trong năm 2018 do sự leo thang của chiến tranh thương mại. Rõ ràng, dư địa xuất khẩu và cơn khát thịt lợn tại Trung Quốc lúc này đang là cơ hội lớn cho nông dân Mỹ, nhất là các nông dân chăn nuôi lợn tại bang Iowa.
Trung Quốc phải tự cứu mình
Hồi đầu tháng 10, Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc, ông Hồ Xuân Hoa nhận định rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung thịt lợn có thể sẽ kéo dài đến giữa năm 2020 hoặc thậm chí lâu hơn. Còn Bộ Nông nghiệp & Nông thôn Trung Quốc hôm 17/10 thì dự kiến giá thịt lợn sẽ tăng mạnh trong dịp nghỉ Tết âm lịch và Lễ hội mùa xuân vào tháng 1-2/2019.
Đối phó với tình trạng này, Bắc Kinh chắc chắn sẽ không trông chờ vào nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài. Tháng trước, các nhà chức trách đã mở kho dự trữ quốc gia để cung cấp ra thị trường hàng chục ngàn tấn thịt lợn trong nỗ lực xoa dịu cơn thiếu hụt.
Trung Quốc trước đó là nhà xuất khẩu thịt lợn lớn nhất toàn cầu, nên một điều rõ ràng là tỷ lệ nhập khẩu thịt từ các thị trường như Mỹ sẽ chỉ như “muối bỏ bể” so với nhu cầu của người dân. Hiện nông dân Trung Quốc đang nỗ lực gây lại đàn lợn giống, nuôi lợn tăng trọng với kích thước khổng lồ, có con xấp xỉ 500kg. Trong dài hạn, đây sẽ là con đường đưa Trung Quốc thoát khỏi lạm phát giá tiêu dùng do dịch tả lợn Châu Phi.