Nông dân Mỹ "ngạc nhiên" nếu Bắc Kinh tuân thủ cam kết mua 50 tỷ USD nông sản
Mary Kay Thatcher, một nông dân Mỹ tại bang nông nghiệp Iowa, nhà vận động nông nghiệp tại Quốc hội Mỹ, giữ vai trò quan trọng trong ban lãnh đạo công ty nông nghiệp Syngenta nhận định: “Những con số ngài Tổng thống đưa ra gần như không thể tin được. Tôi thậm chí không thực sự chắc chắn rằng nông dân Mỹ có thể sản xuất một lượng nông sản lớn như thế để phục vụ xuất khẩu hay không. Dù sao thì đó cũng là một tin mừng cho ngành nông nghiệp”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước đã tiết lộ một trong những điều khoản trong thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1 là Bắc Kinh cam kết tăng cường nhập khẩu 50 tỷ USD nông sản Mỹ, “một chiến thắng lớn cho nông dân Mỹ”. Ông Trump thậm chí còn nhấn mạnh người nông dân nên “mua nhiều máy kéo hơn” để đáp ứng kịp kim ngạch xuất khẩu khổng lồ như vậy. Tin tức này dường như ngay lập tức thổi luồng gió mới vào ngành nông nghiệp vốn đang gánh chịu những thiệt hại nặng nề trong hơn một năm diễn ra thương chiến. Tổn thất lớn đến nỗi hàng trăm nông trại phá sản, lượng hàng tồn kho tăng kỷ lục khiến Quốc hội phải chi hàng chục tỷ USD viện trợ cho nông dân.
Nông dân không chỉ là một trong những lực lượng ủng hộ chính trị đông đảo của Trump trong cuộc đua tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 2020, mà còn giữ vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế Mỹ. Việc nông nghiệp khởi sắc và sự ủng hộ của nông dân chắc chắn sẽ là tấm thảm lót đường đặc biệt cho ngài Tổng thống trên hành trình tranh cử.
Không chỉ Trump, những quan chức thương mại hàng đầu của Mỹ cũng nhấn mạnh lại con số khổng lồ này. Đại diện Văn phòng Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với CBS: “Bạn có thể sẽ chứng kiến kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt từ 80-100 tỷ USD trong vòng 2 năm tới đây, một khối lượng kỷ lục”.
Cần nhấn mạnh rằng trước khi chiến tranh thương mại Mỹ Trung bùng nổ, Mỹ đã xuất khẩu 24 tỷ USD nông sản sang thị trường Trung Quốc trong năm 2017. Khoảng 50% trong số đó là sản phẩm đậu nành, các sản phẩm còn lại có thể kể tới thịt lợn, bông và các loại hạt. Vậy nên việc Bắc Kinh bất ngờ cam kết khối lượng nhập khẩu lên tới 50 tỷ USD đã gây nên mối ngờ vực lớn trên thị trường, rằng Trung Quốc sẽ điều tiết lượng nông sản này ra sao mà không gây nên sự mất cân bằng cung cầu thị trường và các rủi ro biến động giá tiêu dùng.
Brian Kuehl, giám đốc điều hành liên minh Farmers for Free Trade cho hay: “Chúng tôi hy vọng đây không phải một lời hứa sáo rỗng khác vì động cơ chính trị, bởi có rất nhiều nghi ngờ xoay quanh tuyên bố của ngài Tổng thống rằng Trung Quốc sẽ mua 50 tỷ USD nông sản”.
Khối lượng đậu nành tồn kho của Mỹ đang ở mức kỷ lục, nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc có thể mua con số khổng lồ ấy cùng một lúc. Đó là chưa kể dịch tả lợn Châu Phi đã càn quét tới 50% quy mô đàn lợn nước này, khiến nhu cầu đậu nành giảm xuống rõ rệt. Thêm vào đó, các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã tìm thấy những đối tác từ Brazil và Argentina để thay thế cho nguồn đậu nành từ Mỹ trong bối cảnh chiến tranh thương mại. Thực tế, do bị áp thuế, đậu nành từ Mỹ sẽ đắt hơn tương đối so với đậu nành từ Brazil, Argentina hay bất kỳ thị trường nào khác. Nhiều chuyên gia cho rằng nông dân và các nhà xuất khẩu của Mỹ có thể tìm kiếm những thị trường khác để thay thế cho Trung Quốc, nơi mà nông sản Mỹ không bị áp thuế, như cái cách các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã làm.
Một mối quan ngại khác, rằng ngay cả khi Bắc Kinh thực hiện đúng cam kết nhập khẩu 50 tỷ USD nông sản Mỹ như Trump tiết lộ, thì một cam kết kéo dài 2 năm như nội dung thỏa thuận không phải chìa khóa mở cánh cửa lâu dài cho nông dân Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc. Sau 2 năm, liệu điều gì sẽ xảy ra?
Darci Vetter, cựu quan chức Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama cho rằng: “Dường như cam kết mới đây mang lại cho Trung Quốc quyền kiểm soát nhiều hơn trong mối quan hệ này. Họ có thể chủ động trong kim ngạch thương mại với Mỹ thay vì một mối quan hệ lành mạnh dựa trên cung và cầu”.
Một nông dân khác tại bang Iowa, Dave Walton thì lạc quan về thỏa thuận Mỹ Trung giai đoạn 1, nhưng đồng thời cho rằng “thật đáng ngạc nhiên” nếu Bắc Kinh thực hiện cam kết nhập khẩu nông sản khổng lồ như vậy, điều có thể làm mất cân bằng cung cầu thị trường trong nước và gây ra những rủi ro kinh tế lớn hơn. “Tuy nhiên, tôi vẫn mừng là hai chính phủ đã đồng ý thỏa hiệp” - ông Walton nói thêm.