Đây là những lý do khiến giá tiêu "kẹt" tạm thời

25/11/2021 15:19 GMT+7
Giá hạt tiêu tại thị trường nội địa được cho là chỉ giảm tạm thời do nhu cầu thu mua chậm lại trong bối cảnh Trung Quốc đang siết chặt phong tỏa, lượng mua hàng từ Trung Quốc không cao như dự kiến. Đồng thời, việc thu mua tiêu chậm lại do tình trạng tắc nghẽn ở các cảng Hoa Kỳ khiến lượng hàng không được lưu thông thuận tiện...

Giá tiêu bất ngờ biến động không đồng nhất 

Trong 20 ngày đầu tháng 11/2021, giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng trên thị trường thế giới bất ngờ biến động không đồng nhất, tăng ở hầu hết các nước sản xuất; ổn định tại Malaysia. Tại Việt Nam, giá hạt tiêu đen giảm mạnh, nhưng giá hạt tiêu trắng lại tăng. 

Đây là những lý do khiến giá tiêu "kẹt" tạm thời - Ảnh 1.

Nguồn: Hiệp hội hạt tiêu Quốc tế (IPC)

Tại Brazil, giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 100 USD/tấn so với cuối tháng 10/2021, lên mức 4.300 USD/tấn. Tại cảng Kochi Ấn Độ, những ngày cuối tháng 11 này giá hạt tiêu đen xuất khẩu tăng 366 USD/tấn so với ngày 29/10/2021, lên mức 6.766 USD/tấn. 

Tại cảng Lampung ASTA của Indonesia, giá hạt tiêu đen xuất khẩu hiện tăng 142 USD/tấn so với ngày 29/10/2021, lên mức 4.537 USD/tấn. Tại cảng Muntok của Indonesia, giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng 259 USD/tấn so với ngày 29/10/2021, lên mức 7.481 USD/tấn. 

Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, ngày 18/11/2021, giá hạt tiêu đen loại 500g/l và 550g/l xuất khẩu cùng giảm 100 USD/tấn so với ngày 29/10/2021, xuống còn 4.290 USD/tấn và 4.390 USD/tấn. Ngược lại, giá hạt tiêu trắng xuất khẩu tăng 110 USD/tấn so với ngày 29/10/2021, lên mức 6.500 USD/tấn.

Tại cảng Kuching của Malaysia, giá hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng hiện xuất khẩu ổn định ở mức 5.200 USD/tấn và 7.400 USD/tấn so với ngày 29/10/2021. 

Đây là những lý do khiến giá tiêu "kẹt" tạm thời - Ảnh 2.

Giá tiêu đen và trắng tại thị trường nội địa giữa tháng 11/2021 giảm lần lượt 3.500 đồng/kg và 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 10/2021. Trong ảnh: Thu hoạch tiêu ở Nam Yang (Gia Lai). Ảnh: Trần Hiền

Dự báo giá hạt tiêu thế giới tiếp tục xu hướng tăng chứ không giảm do nhu cầu dịp cuối năm tăng. Hiệp hội Thương mại Hạt tiêu và Gia vị Ấn Độ (IPSTA) đang lên kế hoạch triển khai giao dịch hạt tiêu đen giao ngay trên nền tảng điện tử của mình, giúp tập hợp nông dân và thương nhân để xác định giá cả hàng hóa tốt hơn. Ngoài ra, Hiệp hội cũng đang thảo luận với Hội đồng Gia vị Ấn Độ để đảm nhận vai trò là cơ quan quản lý giao ngay điện tử, sau những thành công trong việc đưa ra cơ chế xác định giá hạt tiêu đen kỳ hạn toàn cầu trong khoảng 6 thập kỷ.

Sau khi tăng mạnh và ghi nhận mức cao kỷ lục trong tuần cuối tháng 10/2021, giá hạt tiêu đen và trắng tại thị trường nội địa giữa tháng 11/2021 giảm lần lượt 3.500 đồng/kg và 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 10/2021, xuống còn 85.000 đồng (hạt tiêu đen) và 127.000 đồng/kg (hạt tiêu trắng). Giá tiêu ngay hôm nay 25/11 tại thị trường trong nước vẫn giảm nhẹ ở một số địa phương, giao dịch từ 81.000 - 84.000 đồng/kg.

Đây là những lý do khiến giá tiêu "kẹt" tạm thời - Ảnh 3.

Nguồn: Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam (VPA)

Giá hạt tiêu tại thị trường nội địa giảm là do nhu cầu thu mua chậm lại trong bối cảnh Trung Quốc đang siết chặt phong tỏa, nên lượng mua hàng từ Trung Quốc không cao như dự kiến. Đồng thời, việc thu mua tiêu chậm lại do tình trạng tắc nghẽn ở các cảng Hoa Kỳ khiến lượng hàng hóa không được lưu thông thuận tiện dẫn đến doanh nghiệp giao hàng cầm chừng. Dự báo giá hạt tiêu có khả năng sẽ tăng trở lại sau khi giới đầu cơ ngưng bán hàng ra và các đại lý cũng bán hàng cầm chừng.

Chu kỳ tăng giá của hạt tiêu sẽ tiếp tục trong năm 2022 và 2023

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam tháng 10/2021 đạt 16,76 nghìn tấn, trị giá 72,55 triệu USD, tăng 9,3% về lượng và tăng 17,3% về trị giá so với tháng 9/2021, so với tháng 10/2020 giảm 22,5% về lượng, nhưng tăng 35,2% về trị giá. Tính chung 10 tháng năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 229,73 nghìn tấn, trị giá 791,71 triệu USD, giảm 5,0% về lượng, nhưng tăng 45,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Đây là những lý do khiến giá tiêu "kẹt" tạm thời - Ảnh 4.

Nguồn: Tổng cục Hải quan

Tháng 10/2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt 4.329 USD/tấn – mức cao nhất kể từ tháng 12/2017, tăng 7,4% so với tháng 9/2021 và tăng 74,4% so với tháng 10/2020. Tính chung 10 tháng năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 3.446 USD/tấn, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Đây là những lý do khiến giá tiêu "kẹt" tạm thời - Ảnh 5.

Nguồn: Tính toán từ số liệu Tổng cục Hải quan

Tháng 10/2021, xuất khẩu hạt tiêu sang nhiều thị trường chủ lực tăng so với tháng 10/2020, ngoại trừ Hoa Kỳ , Ấn Độ, Pakistan. Đáng chú ý, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang nhiều thị trường tăng trưởng cao như: Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Ai Cập, Anh. Trong 10 tháng năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu sang hầu hết các thị trường chủ lực tăng so với cùng kỳ năm 2020, ngoại trừ Philippines, Ai Cập.

Đây là những lý do khiến giá tiêu "kẹt" tạm thời - Ảnh 6.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Chỉ còn hơn 1 tháng sẽ kết thúc năm 2021, một năm đầy biến động về kinh tế – chính trị do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Theo đó, thị trường hạt tiêu cũng không nằm ngoài sự tác động này.

Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu lớn nhận định, giá hồ tiêu thấp trong thời gian qua khiến nông dân không dành nhiều công sức chăm sóc cây tiêu. Thêm vào đó, thời tiết không thuận lợi cho cây trồng do lượng mưa không đều, giá phân bón tăng chóng mặt, trồng trọt cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Đó là những lý do chính khiến sản lượng tiêu 2021 sụt giảm. Ngoài ra, do biến đổi khí hậu nên thời gian thu hoạch niên vụ năm nay sẽ chậm hơn những năm trước. Sản lượng trong năm 2022 sẽ tiếp tục giảm.

Theo quan điểm của các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu, sản lượng tiêu toàn cầu đã giảm, đặc biệt ở hai quốc gia sản xuất tiêu lớn. Cụ thể, sản lượng tiêu Việt Nam giảm tối thiểu 10-15% và Ấn Độ giảm khoảng 20%. 

Ngoài những lý do về thời tiết, đại dịch, giá thấp khiến người nông dân thời gian qua không mặn mà thì việc hàng tồn kho giảm cũng là nguyên nhân dẫn tới sản lượng tiêu niên vụ 2022 giảm. Tổng sản lượng hồ tiêu năm 2022 vào khoảng 533.000 tấn, trong đó hai thị trường lớn nhất là Việt Nam khoảng 200.000 tấn và Brazil là 105.000 tấn. 

Ngoài ra, năm 2022, nhu cầu hồ tiêu toàn cầu được dự báo sẽ tăng ít nhất khoảng 3-5%. Chu kỳ tăng giá của hạt tiêu được dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2022 và 2023. Có thể thấy rằng tổng sản lượng hồ tiêu năm 2022 và tổng nhu cầu tiêu thụ thế giới gần như cân bằng. Đồng thời, đây là thời điểm mà các chính phủ "bơm" tiền, điều này sẽ thúc đẩy chu kỳ của giá cả hàng hóa, kể cả giá hạt tiêu.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục