Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Đề xuất sửa đổi chương trình 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội theo hướng ưu đãi hơn
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, chỉ còn hai tuần nữa là kết thúc nửa chặng đường 2024, năm mà nền kinh tế Việt nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc trách nhiệm của các bộ, ngành, nỗ lực của doanh nghiệp, người dân, kinh tế 6 tháng đã có dấu hiệu phục hồi, tăng trưởng kinh tế thuộc mức cao trong khu vực, lạm phát được kiểm sát, dự báo vẫn ở trong vùng mục tiêu Quốc hội đề ra.
Đối với hoạt động ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi nhưng còn chậm. Các NHTW vẫn chờ đợi hành động của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) khi cơ quan này vẫn chưa khẳng định thời điểm giảm lãi suất. Trong nước, khó khăn bủa vây đối với việc điều hành chính sách tiền tệ.
Trước thực tế này, NHNN đã theo sát diễn biến trong và ngoài nước, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường ngoại hối, vàng. Chính vì vậy, công tác điều hành chính sách tiền tệ được Chính phủ đánh giá cao, cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt đối với hệ thống ngân hàng, trong đó vấn đề tín dụng được đề cập tới nhiều.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày 14/6, tín dụng tăng 3,79%. Theo yêu cầu của Thủ tướng hết quý II/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 5-6%, cả năm đạt 15-16% theo mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống, tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh, đồng hành cùng quá trình cam kết tiến đến Net zero vào năm 2050...
Đối với vấn đề tín dụng, Thống đốc cho biết, Ban lãnh đạo NHNN rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Tính từ đầu năm, NHNN đã ban hành 08 văn bản (gồm 01 Chỉ thị, 01 Quyết định, 01 Thông báo, 05 Công văn) chỉ đạo toàn hệ thống về công tác tín dụng.
Cùng với đó, NHNN đã triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp từ hoàn thiện cơ chế, chính sách đến công tác chỉ đạo điều hành hoạt động tín dụng, lãi suất, đẩy mạnh giải ngân các chương trình, chính sách tín dụng.
Đặc biệt, nâng quy mô gói tín dụng lâm sản thủy sản lên 30.000 tỷ đồng; đang đề xuất sửa đổi chương trình 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội theo hướng ưu đãi hơn, tăng cường truyền thông, hội nghị kết nối, công tác địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong cung ứng tín dụng, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận tín dụng.
Ngay trong ngày 18/6/2024, NHNN đã ký ban hành Thông tư 06 kéo dài thời gian thực hiện chính sách tại Thông tư 02 về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ đến hết ngày 31/12/2024.
Mặc dù ngành Ngân hàng nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhưng đến thời điểm này tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp. Do vậy, Thống đốc yêu cầu làm rõ tăng trưởng tín dụng đã thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ chưa, những lĩnh vực nào có tiềm năng để thúc đẩy; đánh giá khả năng tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới; nêu ra giải pháp đảm bảo tăng trưởng tín dụng đúng, trúng, kiểm soát được rủi ro, tăng cường an toàn hệ thống; đề xuất giải pháp từ các bộ, ngành để chung tay thúc đẩy tín dụng.