Đề xuất sửa đổi một số hành vi vi phạm hành chính về thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngoại hối

27/11/2024 12:52 GMT+7
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang đề xuất sửa đổi một số hành vi vi phạm hành chính về thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngoại hối theo hướng xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm lần thứ 2 trở lên.

Ngân hàng Nhà nước đã tổng kết 04 năm thi hành Nghị định số 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (đã được sửa đổi, bổ sung; gọi tắt là Nghị định 88).

NHNN xử phạt hành chính hơn 1.400 đối tượng

Sau thời gian triển khai, dữ liệu thống kê từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy có 1.438 đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên đến gần 130.000 tỷ đồng.

Trong đó, nhà điều hành cho biết, vi phạm tập trung vào các mục: vi phạm quy định về cấp tín dụng, vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối, vi phạm quy định về phân loại tài sản có, trích lập dự phòng và xử lý rủi ro, vi phạm quy định về chế độ báo cáo.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước. Biểu đồ: PV tổng hợp.

Đại diện NHNN nhấn mạnh, vẫn còn tồn tại một số tổ chức tín dụng (TCTD) có vi phạm với các hành vi như: không chấp hành chế độ báo cáo; góp vốn, mua cổ phần vượt giới hạn; ban hành quy định nội bộ có nội dung không đầy đủ theo quy định của pháp luật; ban hành quy định nội bộ có nội dung không đúng quy định của pháp luật;

Lập hợp đồng tín dụng không đủ các nội dung theo quy định của pháp luật; cấp tín dụng khi khách hàng không đủ điều kiện; không kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng theo quy định của pháp luật; phân loại tài sản có không đúng quy định pháp luật; báo cáo các chỉ tiêu thông tin tín dụng không chính xác hoặc không đúng yêu cầu kỹ thuật cho Ngân hàng Nhà nước; ….

Trong đó, thậm chí có hành vi vi phạm phải xử lý hình sự.

Đối với các đối tượng khác, đối tượng bị xử phạt VPHC chủ yếu là các doanh nghiệp với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực ngoại hối như: vi phạm về mục đích sử dụng khoản vay nước ngoài; vi phạm về không thực hiện đúng quy định về thủ tục hành chính đối với việc đăng ký khoản vay nước ngoài; vi phạm về gửi báo cáo không đúng thời hạn…

NHNN đề xuất sửa đổi một số hành vi vi phạm hành chính về thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngoại hối

Ngoài ra, NHNN chỉ ra vẫn còn một vài vướng mắc, bất cập về xác định hành vi vi phạm hành chính khi triển khai Nghị định 88.

Hành vi vi phạm hành chính tại Nghị định 88 được xây dựng căn cứ theo quy định tại Luật Các Tổ chức tín dụng 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung), Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, trong đó một số hành vi VPHC quy định xử phạt trích dẫn đến điều khoản tại các văn bản này

Cụ thể, Quốc hội ban hành Luật Các Tổ chức tín dụng 2024, Luật Phòng chống rửa tiền 2022 đã thay đổi các quy định dẫn đến chế tài xử phạt tại Nghị định 88 không phù hợp với quy định tại văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành. Một số hành vi vi phạm hành chính không áp dụng xử phạt trên thực tế hoặc chưa được cập nhật phù hợp với các quy định pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

"Hiện nay Nghị định 88 chưa bao gồm chế tài xử phạt đối với một số hành vi vi phạm: vi phạm quy định về dư nợ cho vay đối với một khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ đời sống và được xác minh, thông tin nhận biết khách hàng; TCTD mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác, TPDN phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động; quy định về hoạt động thông tin tín dụng; vi phạm quy định về điều kiện khai trương hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch,… dẫn đến trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa có chế tài xử phạt", NHNN cho biết.

Mặt khác, tại một số địa phương phát sinh nhiều khoản vay nước ngoài của các doanh nghiệp mới thành lập, gặp rất nhiều khó khăn như: nhân sự chưa ổn định, chưa hiểu về môi trường kinh doanh, đầu tư, pháp lý cần vay vốn nước ngoài để bổ sung vốn hoạt động và chưa nắm quy định về quản lý ngoại hối nên khi có phát sinh khoản vay ngắn hạn quá hạn không trả được nợ, doanh nghiệp không biết để đăng ký đúng thời hạn quy định hoặc phát sinh sử dụng khoản vay không đúng mục đích; mở, đóng, sử dụng tài khoản không đúng quy định.

Do đó, NHNN đang đề xuất sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt phù hợp Luật Các TCTD 2024, Luật Phòng, chống rửa tiền 2022.

Cụ thể, loại bỏ trích dẫn toàn bộ các điều khoản tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024, Luật Phòng, chống rửa tiền nhằm tránh trường hợp sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản quy phạm pháp luật. Đối với các hành vi không loại bỏ trích dẫn, cập nhật sửa đổi phù hợp với Luật Các TCTD 2024, Luật Phòng, chống rửa tiền 2022 và sửa đổi các chế tài xử phạt phù hợp với quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ, điều cấm tại Luật Các TCTD 2024, Luật Phòng, chống rửa tiền 2022

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt phù hợp các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng: vi phạm quy định về dư nợ cho vay đối với một khách hàng là cá nhân vay vốn phục vụ đời sống và được xác minh, thông tin nhận biết khách hàng; TCTD mua TPDN phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác, TPDN phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động; quy định về hoạt động thông tin tín dụng; vi phạm quy định về điều kiện khai trương hoạt động chi nhánh, phòng giao dịch,…

Cuối cùng, nhà điều hành đề xuất sửa đổi một số hành vi vi phạm hành chính về thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngoại hối theo hướng xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm lần thứ 2 trở lên.

L. Anh
Cùng chuyên mục