Dịch Covid-19 đè nặng nhưng cả Mỹ và Trung Quốc đều tăng mua mạnh chè của Việt Nam
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè của Việt Nam trong tháng 12/2021 đạt 11,8 nghìn tấn, trị giá 20,1 triệu USD, tăng 5,7% về lượng và tăng 13,3% về trị giá so với tháng 12/2020. Tính chung năm 2021, xuất khẩu chè đạt 126,8 nghìn tấn, trị giá 213,9 triệu USD, giảm 6,0% về lượng và giảm 1,8% về trị giá so với năm 2020.
Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 12/2021 đạt 1.694,6 USD/tấn, tăng 7,2% so với tháng 12/2020. Năm 2021, giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.686,8 USD/tấn, tăng 4,6% so với năm 2020.
Hoạt động xuất khẩu chè gặp nhiều khó khăn và giảm cả về lượng lẫn giá trị trong năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Cùng với đó, giá nguyên liệu đầu vào, cước phí vận chuyển tăng cao, sản xuất chè bị gián đoạn, khiến các doanh nghiệp ngành chè gặp nhiều khó khăn.
Năm 2021, mặc dù xuất khẩu chè không được như kỳ vọng, nhưng vẫn đạt được kết quả nhất định. Kết quả đạt được là nhờ sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp và các chủ trương, chính sách kịp thời từ phía Chính phủ, lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do được ký kết để giúp ngành chè phục hồi sản xuất và đẩy nhanh xuất khẩu chè trong những tháng cuối năm 2021, sau khi chịu tác động nặng nề bởi làn sóng dịch lần thứ 4.
Năm 2022, hoạt động xuất khẩu chè dự kiến vẫn sẽ chịu ảnh hưởng nặng từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp thích ứng dần với dịch bệnh để có những kế hoạch ứng phó là yếu tố quan trọng thúc đẩy xuất khẩu chè trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu chè cần tập trung tận dụng các cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do như: EVFTA, CPTPP, RCEP… để đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường; đồng thời nâng cao chất lượng mặt hàng chè theo hướng đáp ứng các quy định về SPS, yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Về thị trường, Pakistan là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam trong năm 2021, lượng chè xuất khẩu sang thị trường này chiếm 34,4% tổng lượng chè xuất khẩu. Lượng và trị giá xuất khẩu chè sang thị trường Pakistan đều tăng trong năm 2021.
Tiếp theo là xuất khẩu chè cũng tăng mạnh tới thị trường Đài Loan đạt 18,6 nghìn tấn, trị giá 28,7 triệu USD, tăng 7,5% về lượng và tăng 7,7% về trị giá so với năm 2020; tới thị trường Nga đạt 12,1 nghìn tấn, trị giá 19,6 triệu USD, giảm 14,3% về lượng và giảm 8,8% về trị giá…
Đáng chú ý, chè xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Iraq tăng rất mạnh cả về lượng và trị giá trong năm 2021 mặc cho dịch Covid-19 tác động nặng nề.
Được biết, Việt Nam là thị trường cung cấp chè lớn thứ 7 cho Mỹ. Giá nhập khẩu chè bình quân từ Việt Nam đạt 1.404,8 USD/tấn (số liệu đến tháng 10/2021), tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020. Tỷ trọng nhập khẩu chè từ Việt Nam giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.
Việt Nam cũng là thị trường cung cấp chè đen lớn thứ 6 cho Mỹ, lượng và trị giá nhập khẩu chè đen từ Việt Nam đều tăng. Ngoài ra, Mỹ nhập khẩu chè xanh từ Việt Nam và dư địa của các mặt hàng này còn rất lớn.
Với Trung Quốc, thị trường này đã tăng rất mạnh nhập khẩu chè của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2021. Xuất khẩu chè sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2021, đạt 4,55 nghìn tấn, trị giá 6,76 triệu USD, tăng 104,8% về lượng và tăng 87,7% so với cùng kỳ năm 2020. Những tháng cuối năm, do công tác chống dịch nên tốc độ nhập khẩu của Trung Quốc chậm hơn, nhưng tính chung cả năm 2021, xuất khẩu chè của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn tăng cao.
Hiện cả nước có 34 tỉnh, thành trồng chè, tập trung chính tại 2 vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên. Thị trường Pakistan, Afganisgtan, Nga, Indonesia và Đài Loan, Trung Quốc, Hoa Kỳ vẫn là những thị trường lớn nhất của chè Việt Nam...