Dịch Covid-19: Đề xuất hỗ trợ phải phù hợp với tình hình thực tế
Trong thời gian gần đây ngành Ngân hàng liên tục nhận được yêu cầu hỗ trợ từ các tập đoàn lớn nhỏ về việc cho vay lãi suất thấp, nới điều kiện, hạn mức tín dụng… Sau khi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất về việc cho 19 Tập đoàn, Tổng công ty tiếp cận gói tín dụng 250.000 tỷ đồng hỗ trợ do ảnh hưởng bởi Covid-19 với lãi suất 0% trong thời hạn ít nhất 3 năm; mới đây tại bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA) lại đề xuất cần đưa ra tiêu chuẩn cấp tín dụng đặc thù, áp dụng riêng cho năm 2020 đối với tín dụng BĐS. Chẳng hạn giảm 30-50% lãi vay; giảm 50% giá trị tài sản bảo đảm vay vốn; nới lỏng hạn mức tín dụng với khách hàng vay vốn…
Đề xuất hỗ trợ phải phù hợp với tình hình thực tế
Giới chuyên môn cho rằng, những đề xuất trên đều không khả thi. Phó Viện trưởng Viện Tài chính TS. Nguyễn Đức Độ đánh giá: Đối với lĩnh vực BĐS là ngành kinh doanh bị ảnh hưởng từ trước khi dịch bệnh Covid-19. Hai là ngành này không liên quan đến nhiều lao động và mang tính đầu cơ nhiều hơn, DN kinh doanh lời ăn lỗ chịu, khó có thể yêu cầu Nhà nước hay ngân hàng hỗ trợ cho ngành đấy được.
Khá thông cảm trước bối cảnh kinh tế khó khăn do dịch bệnh thì gần như không có DN nào thoát khỏi tác động và việc kêu gọi sự hỗ trợ là dễ hiểu nhưng một chuyên gia ngân hàng nhìn nhận những đề xuất hỗ trợ phải phù hợp với tình hình thực tế. "Ngân hàng cũng là DN, vốn kinh doanh của họ cũng là vốn thương mại huy động từ dân cư, phải trả lãi chứ không phải vốn được cho không. Vậy phần lãi suất trên liệu ngân sách có đủ để cấp bù cho ngân hàng khi mà nguồn lực ngân sách vốn đã eo hẹp nay lại càng khó khăn hơn do đang phải hỗ trợ rất nhiều các đối tượng khác", vị này đặt vấn đề.
Không phủ nhận các DN lớn cần sự giúp đỡ nhưng với cơ chế vay lãi suất bằng 0% và thời gian ân hạn tới 3 năm, theo đánh giá của TS. Nguyễn Trí Hiếu sự hỗ trợ trên nếu áp dụng sẽ lấy đi tất cả những nguồn lực của ngân hàng để hỗ trợ các thành phần còn lại của nền kinh tế. Còn đối với lĩnh vực BĐS là một lĩnh vực vốn không được khuyến khích, và bài học nhãn tiền sự dễ dãi đối với cho vay bất động sản là nguyên nhân chính khiến cho nợ xấu tăng mạnh vào giai đoạn 2010 mà đến nay hệ luỵ của nó vẫn chưa giải quyết xong. Thời điểm này, nếu hạ chuẩn tín dụng, nền kinh tế sẽ lại có nguy cơ rơi vào vết xe đổ thậm chí vết xe hằn sâu hơn.
Tại buổi họp báo Chính phủ mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cũng bày tỏ lo lắng, nợ xấu hệ thống ngân hàng có thể cao hơn 3,67% vào cuối năm nay.
TS. Cấn Văn Lực cũng đưa ra dự báo nợ xấu cuối năm 2020 khoảng 4% và như vậy các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro tương đối nhiều. Thực tế, nợ xấu quý I/2020 đã dềnh lên, buộc các ngân hàng phải tăng mạnh trích lập dự phòng từ 50-70%.
Về phía NHNN, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định hệ thống ngân hàng đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tối đa khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, song tuyệt đối không hạ chuẩn tín dụng, không nới lỏng điều kiện cho vay. Vì nguồn vốn tín dụng này, các chương trình hỗ trợ này đều đến từ tiền gửi của người dân và chính doanh nghiệp, nên trách nhiệm đầu tiên của các tổ chức tín dụng (TCTD) là phải đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo an toàn nguồn vốn. Đây là yêu cầu tiên quyết.
Chọn mặt gửi vàng, doanh nghiệp cần đa dạng nguồn lực
Hiện hệ thống ngân hàng vẫn đang nỗ lực đưa ra các giải pháp hỗ trợ DN. Theo đó đến nay các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 170.000 khách hàng với tổng dư nợ xấp xỉ 130.000 tỷ đồng, đã miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho trên 14.000 khách hàng với dư nợ xấp xỉ 29.000 tỷ đồng; hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho khoảng 318.000 khách hàng với dư nợ trên 980.000 tỷ đồng (mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5-2%, thậm chí có một số TCTD đã hạ lãi suất từ 2,5-4%), cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch từ 1-2% cho khoảng 150.000 khách hàng với doanh số cho vay mới lũy kế kể từ 23/1 tới nay là trên 500.000 tỷ đồng.
Đó là những con số cho thấy nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc đồng hành cùng nền kinh tế vượt qua những khó khăn hiện nay, song phải trên cơ sở đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng và bảo toàn được nguồn vốn vì đây là nguồn tiền gửi của dân cư. "Việc hỗ trợ tín dụng là cần thiết nhưng phải duy trì điều kiện, tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn không chỉ cho giai đoạn này mà cho nhiều năm tới đây, hệ thống ngân hàng có an toàn, lành mạnh thì mới đảm bảo hỗ trợ cho nền kinh tế", Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nhấn mạnh.
Thời điểm này, theo quan điểm TS. Nguyễn Trí Hiếu các ngân hàng phải chọn mặt gửi vàng chứ không thể hỗ trợ cho tất cả các DN được. Bởi vậy, các DN cần phải tìm phương án thay thế vay vốn ngân hàng bằng hình thức khác như tìm sự hỗ trợ từ các NĐT mới, phát hành TPDN với kế hoạch kinh doanh chuẩn mực, kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà cung cấp cho phép kéo dài hơn việc chậm trả tiền hàng… "Mọi người thường trông chờ từ ngân hàng với những đồng vốn cho vay sẽ là cứu cánh cho họ. Nhưng thực tế những đồng vốn ngân hàng đang cõng trên vai nhiều gánh nặng từ đại dịch: nợ xấu tăng, tín dụng giảm, nguồn thu lợi nhuận giảm...", TS. Hiếu dẫn chứng và đề xuất Chính phủ cũng nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho ngân hàng. Bởi ngân hàng là đối tượng bị tác động sau cùng nhưng cũng bị ảnh hưởng mạnh nhất.
TS. Nguyễn Đức Độ cũng cho rằng, sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng cũng chỉ ở mức độ nào đó chứ không thể tràn lan được vì nguồn lực có hạn. Hiện tại vấn đề mấu chốt của DN là hoạt động kinh doanh bị đình trệ, do vậy, việc tổ chức sản xuất lại thế nào mới là vấn đề quan trọng.
Đặc biệt theo các chuyên gia, để kích hoạt lại nền kinh tế, trước hết đầu tư công phải vào cuộc nhanh hơn. Nhất là các công trình trọng điểm quốc gia như là một giải pháp bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng trong năm 2020 và trong dài hạn. Theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực, nếu Việt Nam giải ngân hết số vốn đầu tư công theo kế hoạch là 700.000 tỷ đồng sẽ giúp GDP Việt Nam năm 2020 tăng trưởng thêm 1,44 điểm %. Ngoài ra, các gói hỗ trợ về thuế, an sinh xã hội cũng cần được tiến hành khẩn trương với các biện pháp giám sát, hậu kiểm đảm bảo đúng và trúng đối tượng, hạn chế tối đa hiện tượng trục lợi chính sách...