Dịch tả lợn châu Phi đe dọa sản xuất thịt lợn năm 2022
Xuất nhập khẩu thịt lợn toàn cầu dự báo giảm, giá không cao
Từ đầu tháng 3/2022 đến nay, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ sau khi tăng lên 102,9 UScent/lb vào ngày 13/3/2022 đã giảm giá trở lại. Ngày 18/3/2022, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ giao tháng 4/2022 ở mức 100,5 UScent/lb, giảm 2,6% so với cuối tháng 02/2022, nhưng tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Rabobank, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục là một yếu tố bất ổn lớn cho sản xuất thịt lợn toàn cầu, trong đó bao gồm cả Việt Nam trong năm 2022.
Tại châu Âu, dịch tả lợn đã lây lan sang các nước mới trong những tháng gần đây, tạo ra thách thức cho hoạt động sản xuất tại châu Âu trong năm 2022.
Tại châu Á, dịch tả lợn tiếp tục lây lan tại Trung Quốc nhưng tác động thấp hơn nhiều so với năm 2020. Trong khi đó, cước vận chuyển, giá năng lượng và giá ngũ cốc tăng làm tăng giá thức ăn chăn nuôi, cùng với chi phí lao động tăng lên đang thách thức các chuỗi cung ứng thịt lợn.
Năm 2022, xuất nhập khẩu thịt lợn toàn cầu dự báo giảm so với năm 2021, chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm trong bối cảnh sản xuất nội địa phục hồi.
Mặc dù các nước nhập khẩu truyền thống như Nhật Bản và Hàn Quốc có thể sẽ tăng nhập khẩu, cộng với một số nước nhập khẩu mới, nhưng phần tăng này chưa đủ để bù lại mức giảm nhập khẩu của Trung Quốc.
Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), năm 2022, chăn nuôi lợn và sản lượng thịt lợn của Nhật Bản có thể thấp hơn dự kiến. Năm 2021, sản lượng thịt lợn của Nhật Bản tăng và việc tái đàn lợn chậm đã làm giảm lượng lợn nái dự trữ đầu năm 2022. Do đó, nhập khẩu thịt lợn của Nhật Bản trong năm 2022 có thể tăng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong các ngành dịch vụ thực phẩm của Nhật Bản phục hồi, cộng với nhu cầu bán lẻ tiếp tục ổn định, cho thấy thị trường tiêu thụ thịt lợn tăng mạnh. Giá thịt bò cao cũng có thể làm tăng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn, do đó USDA đã tăng dự báo tiêu thụ thịt lợn của Nhật Bản trong năm 2022.
Nhập khẩu thịt lợn của Nhật Bản dự kiến sẽ tăng nhẹ để cân bằng thị trường, do sản lượng thịt lợn trong nước năm 2022 dự kiến giảm. Tuy nhiên, nhu cầu tăng có thể vượt quá nguồn cung do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, do đó USDA dự đoán lượng tồn kho của các nhà nhập khẩu Nhật Bản cuối năm 2022 sẽ giảm.
Tại Trung Quốc, do giá lợn liên tục giảm nên nước này đã thu mua 38.000 tấn thịt lợn để dự trữ. Người chăn nuôi trên khắp đất nước Trung Quốc đã và đang chịu thiệt hại lớn do giá thịt lợn giảm và chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao giống như tại Việt Nam.
Các nhà phân tích cho biết, việc thua lỗ kéo dài có thể khiến một số doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường, dẫn đến sản lượng thịt lợn của Trung Quốc giảm mạnh. Thịt lợn chiếm hơn 60% lượng tiêu thụ thịt ở Trung Quốc. Giá thịt lợn là yếu tố quan trọng đối với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng như sinh kế của người dân ở Trung Quốc.
Sau dịp Tết Nguyên đán 2022, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn của người tiêu dùng giảm mạnh, nhưng với sự phục hồi liên tục của sản lượng lợn của Trung Quốc, nguồn cung trên thị trường vẫn tăng, có thể khiến giá thịt lợn tiếp tục giảm. Điều này cũng tương tự những gì đang diễn ra ở Việt Nam hiện nay.
Đàn lợn của Trung Quốc trước đây đã bị tiêu hủy bởi dịch bệnh tả lợn châu Phi từ năm 2018 đến năm 2019, khiến giá thịt lợn tăng vọt và đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Sau đó, Trung Quốc đã tái thiết đàn lợn và dần ổn định sản xuất.
Trong báo cáo quý mới nhất, Rabobank dự báo xung đột giữa Nga với Ukriane hiện nay sẽ không tác động mạnh lên thị trường thịt lợn, thịt bò quốc tế. Tuy nhiên, tác động gián tiếp có thể xảy ra, nếu nguồn cung thức ăn chăn nuôi chịu tác động của cuộc xung đột này.
Giá thịt lợn không tăng nhưng giá thịt bò sẽ tăng. Nhu cầu tiếp tục ở mức cao và nguồn cung hạn chế đang giữ giá thịt bò toàn cầu đứng ở mức cao. Rabobank dự báo, sản xuất thịt bò tại một số nước sản xuất lớn có thể tăng nhẹ trong quý I/2022, sau đó ổn định trong quý II/2022. Mức tăng mạnh nhất trong quý I/20222 có thể đến từ Úc, do nước này đang phục hồi sau hạn hán.
Rabobank cũng dự báo sản lượng tại Brazil sẽ tăng 2% trong quý I/2022. Hoa Kỳ dự báo bước vào giai đoạn sản lượng ổn định, trong khi sản lượng thịt bò tại Trung Quốc và châu Âu dự báo giảm nhẹ. Giá thị bò cao như vậy nên dự báo kỳ vọng người dân chuyển sang ăn thịt lợn để cải thiện và thúc đẩy giá thịt lợn tăng hơn.
Thị trường chăn nuôi trong nước tiếp tục khó khăn
Trong nước, giá lợn hơi hôm nay biến động khá bất ngờ. Một số địa phương ở phía bắc có giá lợn hơi thấp, hôm nay điều chỉnh tăng mạnh từ 2.000 - 4.000 đồng/kg, đưa giá lợn hơi trung bình của khu vực tăng nhẹ. Trong khi đó, giá lợn hơi miền Trung và miền Nam lại đi ngang.
Cụ thể, thương lái tại Hà Nội và Tuyên Quang hiện đang thu mua lợn hơi lần lượt với giá 54.000 đồng/kg và 55.000 đồng/kg, sau khi tăng 2.000 đồng/kg so với hôm qua. Tương tự, tỉnh Vĩnh Phúc điều chỉnh tăng thêm 4.000 đồng/kg, hiện đang giao dịch tại mức 56.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại không có biến động mới. Trong đó, mức thu mua lợn hơi cao nhất khu vực vẫn đang neo ở Hưng Yên, với giá 57.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi hôm nay 25/3 tại miền Trung và Tây Nguyên tiếp tục đi ngang. Hiện tại, thương lái tại Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận đều đang giao dịch lợn hơi với giá cao nhất khu vực là 54.000 đồng/kg.
Các tỉnh Nghệ An, Bình Định, Lâm Đồng và Đắk Lắk vẫn duy trì thu mua ổn định tại mức 53.000 đồng/kg. Hai tỉnh còn lại gồm Quảng Bình và Quảng Trị tiếp tục neo tại mức 52.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực.
Tại miền Nam, giá lợn hơi hôm nay 25/3 đang duy trì ổn định. Trong đó, các tỉnh Bình Phước, TP.HCM và Vũng Tàu vẫn thu mua ổn định với giá 52.000 đồng/kg, thấp nhất khu vực. Mức giao dịch cao nhất là 53.000 đồng/kg, được chứng kiến tại các địa phương còn lại.
Năm 2022, thị trường chăn nuôi trong nước sẽ tiếp tục khó khăn bởi yếu tố dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi vẫn phức tạp. Đồng thời, chi phí sản xuất, chi phí trung gian, giá thành sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn ở mức cao. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn xảy ra ở một số địa phương, tuy đã được khống chế nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát.
Dự báo hoạt động sản xuất chăn nuôi tại Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2022, vì các biện pháp phòng dịch tả lợn châu Phi đã giúp các nhà chăn nuôi lớn tránh được những đợt bùng dịch quy mô lớn. Hiện cả nước có khoảng 28 triệu con lợn; trong đó, đàn lợn thịt cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu dùng; đặc biệt 16 doanh nghiệp lớn vẫn duy trì khoảng 6,5 triệu con lợn thịt, cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 1/2022, Việt Nam xuất khẩu được 1,39 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 6,92 triệu USD, giảm 23,5% về lượng và giảm 40,2% về trị giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 giảm 10,3% về lượng, nhưng tăng 17,4% về trị giá.
Xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt giảm là do xuất khẩu sang một số thị trường chủ chốt như Trung Quốc, Hồng Kông... giảm mạnh. Tháng 1/2022, thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu sang 15 thị trường. Trong đó, xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hồng Kông, chiếm 50,3% tổng lượng thịt và các sản phẩm thịt xuất khẩu của cả nước với 700 tấn, trị giá 4,73 triệu USD, giảm 13,9% về lượng và giảm 19,9% về trị giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 giảm 27,9% về lượng, nhưng tăng 19,4% về trị giá.
Thịt và các sản phẩm thịt của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông chủ yếu là thịt lợn, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ, muối, ngâm nước muối, làm khô hoặc hun khói; Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhóm 01.05, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh.
Tháng 1/2022, thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các chủng loại như: Thịt lợn, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh; Thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, của gia cầm thuộc nhúm 01.05, tươi, ướp lạnh hoặc đụng lạnh...
Trong đó, thịt lợn, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu nhiều nhất với 986 tấn, trị giá 5,55 triệu USD, giảm 11,9% về lượng và giảm 17,8% về trị giá so với tháng 12/2021; so với tháng 1/2021 tăng 78,3% về lượng và tăng 78,9% về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân đạt 5.638 USD/tấn, giảm 6,7% so với tháng 12/2021, nhưng tăng 0,3% so với tháng 1/2021. Thịt lợn, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh được xuất khẩu sang các thị trường Hồng Kông, Thái Lan và Lào.