Điểm tên 6 sân bay mới sẽ được đầu tư xây dựng
Theo Bộ GTVT, thời kỳ 2021 - 2030, mạng cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực Hà Nội và TP.HCM, với 28 cảng hàng không gồm: 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, NộI Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc).
Ngoài ra, 14 cảng hàng không quốc nội gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ GTVT sẽ huy động tối đa nguồn vốn của xã hội đầu tư theo phương thức đối tác công - tư. Trong đó, UBND các tỉnh, thành phố có quy hoạch cảng hàng không mới là cơ quan có thẩm quyền để huy động, cân đối nguồn lực và tổ chức thực hiện đầu tư.
"Trong 10 năm tới, có thêm 6 sân bay mới được quy hoạch đầu tư, xây dựng là Long Thành, Lai Châu, Sa Pa, Quảng Trị, Phan Thiết và Nà Sản", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho hay.
Đáng chú ý, trong số 6 sân bay mới được quy hoạch xây dựng trước năm 2030, Tổng công ty Cảng Hàng không VN (ACV) đã khởi công xây dựng dự án thành phần 3 sân bay Long Thành (gồm xây dựng và khai thác các công trình thiết yếu của sân bay, như đường băng, đường lăn, sân đỗ, nhà ga, các hạ tầng chung, 2 tuyến đường bộ kết nối sân bay…) từ tháng 1/2021.
Phía Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, tổng vốn đầu tư các công trình do ACV đảm nhận lên đến hơn 99.000 tỷ đồng, sử dụng vốn ACV tự có và đi vay (Chính phủ không bảo lãnh vay).
Theo lộ trình sân bay Phan Thiết được phát lệnh khởi công từ năm 2015 (dự kiến đưa vào hoạt động năm 2018), nhưng tới đầu năm nay mới có tín hiệu tích cực để triển khai sau nhiều năm tạm dừng để hoàn thiện các thủ tục phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Dự án sân bay BOT khác là Sa Pa (Lào Cai) cũng có tổng mức đầu tư của dự án khoảng gần 7.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 hơn 4.180 tỷ đồng (dự án thành phần 1 giải phóng mặt bằng và tái định cư hơn 532 tỷ đồng; Dự án thành phần 2 xây dựng cảng hàng không hơn 3.651 tỷ đồng).
Tổng mức đầu tư giai đoạn 2 là hơn 2.765 tỷ đồng (bao gồm hơn 160 tỷ đồng giải phóng mặt bằng và tái định cư) và hơn 2.604 tỷ đồng xây cảng hàng không).
Cùng với đó, là UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ xin đầu tư cảng hàng không theo hình thức đối tác công - tư với tổng mức đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng và được chia làm 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn hơn 2.900 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước ở cả 2 giai đoạn là hơn 310 tỷ đồng. Công tác giải phóng mặt bằng được tách thành một dự án riêng, sử dụng ngân sách của tỉnh Quảng Trị.