Bộ GTVT trình đưa cảng hàng không Chu Lai thành sân bay quốc tế

09/11/2021 20:37 GMT+7
Theo tờ trình của Bộ GTVT, Cảng hàng không Chu Lai, tỉnh Quảng Nam sẽ trở thành sân bay quốc tế trong quy hoạch của Bộ GTVT.

Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Theo tờ trình của Bộ GTVT, trong quá trình xây dựng quy hoạch của ngành hàng không, Bộ GTVT đã tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương; các hội nghề nghiệp; Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định quy hoạch.

Bộ GTVT xây dựng quy hoạch có 28 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế gồm Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc và 14 cảng hàng không quốc nội gồm Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.

Cảng hàng không Chu Lai sẽ trở thành sân bay quốc tế - Ảnh 1.

Cảng hàng không Chu Lai. Ảnh: ACV

Như vậy, Cảng hàng không Chu Lai của tỉnh Quảng Nam sẽ trở thành sân bay quốc tế trong quy hoạch của Bộ GTVT.

UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, để chuẩn bị cho xây dựng cơ sở hạ tầng của cảng hàng không Chu Lai, địa phương đã đề nghị Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sớm triển khai kế hoạch đầu tư phát triển cảng hàng không Chu Lai trở thành cảng hàng không quốc tế, đạt tiêu chuẩn cấp 4E vào giai đoạn 2021 - 2030 và đến năm 2050 thành Cảng hàng không quốc tế cửa ngõ với quy mô sân bay cấp 4F, công suất phục vụ 40 triệu hành khách/năm.

Tỉnh Quảng Nam đề nghị ACV sớm có kế hoạch để đầu tư xây dựng nhà ga hành khách công suất phục vụ 5 triệu hành khách/năm.

Đồng thời, đề nghị ACV cải tạo nhà ga hàng hóa, mở rộng sân đỗ máy bay, các công trình phụ trợ, các hạng mục phục vụ bay, triển khai ngay từ năm 2022 để kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa đang tăng nhanh trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và các tỉnh, thành lân cận trong khu vực miền Trung.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam đề nghị ACV phối hợp với địa phương làm việc với Chính phủ, Bộ GTVT và các bộ, ngành Trung ương liên quan xúc tiến nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh mới phía Tây và chuyển đường cất, hạ cánh hiện hữu thành đường lăn.

Cảng hàng không Chu Lai có diện tích hiện nay là 2.300ha nằm trong Khu kinh tế mở Chu Lai thuộc tỉnh Quảng Nam, giữa hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, ở vị trí trung độ của đất nước, thuộc vùng phát triển kinh tế trọng điểm miền Trung, nằm trên trục giao thông Bắc - Nam.

Về đường sắt, đường bộ, đường biển và đường hàng không, có quốc lộ 14 nối từ Cảng Đà Nẵng qua các huyện phía Bắc của tỉnh đến biên giới Việt - Lào và các tỉnh Tây Nguyên; trong tương lai gần sẽ nối với hệ thống đường xuyên Á tạo vị trí thuận lợi cho tỉnh về giao lưu kinh tế với bên ngoài.

Quảng Nam nằm kẹp giữa thành phố Đà Nẵng - Trung tâm kinh tế lớn của khu vực miền Trung ở phía Bắc và khu công nghiệp Dung Quất, một khu công nghiệp lớn ở phía Nam, lại có Cảng Kỳ Hà, có nhiều mặt bằng đất cát ven biển rộng, gần hệ thống lưới điện quốc gia, gần nguồn nước ngọt, gần trục giao thông đường bộ, đường sắt.

Cảng Hàng không Chu Lai sẽ là động lực phát triển của 2 khu kinh tế mở Chu Lai và Dung Quất. Hoạt động bay tại Cảng đã và đang gắn kết chặt chẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi với cả khu vực.

Thế Anh
Cùng chuyên mục