DN FDI "ngại" rót vốn vào Trung Quốc vì khủng hoảng thiếu điện, Việt Nam là điểm thay thế tiềm năng
Trung Quốc hiện đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ. Trong vài ngày gần đây, chính quyền nhiều địa phương trên cả nước đã bắt đầu ban hành các chính sách hạn chế sử dụng điện, bao gồm tạm dừng hoạt động sản xuất tại các nhà mát trong những khung giờ nhất định.
Các biện pháp được đưa ra trong bối cảnh nguồn cung than để sản xuất điện thiếu hụt, trong khi các chính quyền địa phương phải “chạy deadline” để theo kịp mục tiêu cắt giảm khí thải carbon của chính phủ Trung ương Trung Quốc.
“Một số doanh nghiệp nước ngoài đang cân nhắc về việc có nên đầu tư vào Trung Quốc” - trích lời ông Johan Annell, đối tác tại Asia Perspective, một công ty tư vấn cho các doanh nghiệp Bắc Âu tại khu vực Đông Á - Đông Nam Á.
Ông Annell cho hay các khoản đầu tư nước ngoài đã được lên kế hoạch trị giá hàng chục triệu USD vào Trung Quốc đang đứng trước nhiều rào cản do tình trạng cắt điện đột ngột. Dù rằng Trung Quốc vẫn được xem là điểm đầu tư mạnh mẽ cho ngành sản xuất, một số doanh nghiệp đang xem xét dịch chuyển một phần dòng vốn vào thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, theo ông Annell.
“Tâm lý chủ yếu là không chắc chắn - do không ai biết (cuộc khủng hoảng thiếu điện) sẽ kéo dài đến bao giờ và diễn biến thế nào trong những tháng tới” - ông Annell nói thêm, trích dẫn những cuộc thảo luận của Asia Perspective với khoảng 100 doanh nghiệp đầu tư. “Sự không chắc chắn này có thể diễn ra trong ngắn hoặc dài hạn, tùy thuộc vào việc (Trung Quốc) xử lý vấn đề trong bao lâu. Nhưng cũng có khả năng nó kéo dài trong 2 quý tới” - ông Annell cảnh báo.
Tuần trước, hàng loạt thành phố Trung Quốc từ trung tâm xuất khẩu Quảng Đông ở phía Nam đất nước đến thành phố Thẩm Dương phía Đông Bắc đất nước đều ra lệnh hạn chế sử dụng điện đột ngột mà không có thông báo nào được đưa ra trước đó. Tỉnh Quảng Đông là nơi sản xuất các mặt hàng xuất khẩu đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu chung của toàn Trung Quốc, trong khi đó tỉnh Liêu Ninh đóng góp khoảng 1,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Diễn biến bất ngờ này đã khiến một số tổ chức kinh tế hạ hoặc xem xét hạ dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc trong năm nay. Chẳng hạn, kinh tế trưởng Ting Lu của Nomura đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay từ 8,2% xuống chỉ còn 7,7% khi tình trạng giới hạn sử dụng điện tiếp tục diễn ra trên khắp đất nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản lượng nhà máy.
Tờ CNBC cho hay các nhà lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp Mỹ và châu Âu cũng xác nhận đợt cắt điện mới nhất đang ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư kinh doanh tại Trung Quốc.
Ông Matt Margulies, Phó chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung, người phụ trách các hoạt động tại Trung Quốc cho biết: “Các công ty đưa ra quyết định đầu tư dựa vào sự ổn định chính sách và khả năng dự báo… Họ cần được báo trước về việc gián đoạn cung cấp điện để đảo bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh liên tục cũng như an toàn cho người lao động. Họ cũng cần được tham vấn để tìm ra giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu của các bên đối tác liên quan. Một phương pháp tiếp cận không phù hợp sẽ gây ra tình trạng xáo trộn, làm tăng chi phí sản xuất và giảm niềm tin thị trường”.
Các báo cáo về tình trạng hạn chế sử dụng điện, đặc biệt ở miền Nam Trung Quốc, đã liên tục xuất hiện trong vài tháng qua khi quốc gia này tìm cách cắt giảm lượng khí thải carbon, hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.
Lưới điện địa phương cũng phải chịu áp lực từ tình trạng thiếu than và nhu cầu điện cao của các nhà máy khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch và phần còn lại của thế giới cũng bắt đầu mở cửa trở lại, thúc đẩy nhu cầu toàn cầu với hàng hóa Trung Quốc tăng vọt.