Doanh nghiệp địa ốc chuẩn bị hậu Covid-19
Lỡ nhịp vì dịch bệnh
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc kinh doanh tại TP.HCM của Tập đoàn Hà Đô đang căng mình lên kế hoạch phát triển sàn thương mại cho thuê có diện tích lên tới hàng chục ngàn mét vuông tại dự án trên đường 3/2 (quận 10, TP.HCM).
Ông Tuấn cho biết, dự án này bàn giao đúng vào thời điểm Covid-19 bùng phát, nên rất khó cho thuê mặt bằng. Để có thể kích cầu khách thuê sau dịch, Hà Đô thực hiện chương trình giảm giá thuê, hỗ trợ đặt cọc…
Trong khi đó, theo kế hoạch, Tập đoàn Vạn Phúc sẽ mở bán khu nhà phố thương mại hơn 100 căn tại Dự án Van Phuc City (quận Thủ Đức, TP.HCM), nhưng do Covid-19 và quy định giãn cách xã hội, lãnh đạo tập đoàn này đã quyết định dừng bán hàng đợt này.
Tương tự, ông Hà Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Trần Anh Group cho biết, tháng 3/2020, doanh nghiệp họp để phổ biến và chuẩn bị nguồn lực cho việc mở bán Dự án biệt thự West Lakes Golf & Villas (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), nhưng bước vào tháng 4, khi Covid-19 bùng phát mạnh, doanh nghiệp đã quyết định dừng triển khai dự án và chờ thời điểm thích hợp khi hết dịch.
Cùng trong bối cảnh chung, Cát Tường Group cũng dừng triển khai bán các đợt tiếp theo ở Dự án Cát Tường Phú Hưng (TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước)…
Chờ bùng nổ hậu Covid-19
Các doanh nghiệp địa ốc cho rằng, việc dừng một nhịp phát triển dự án theo kế hoạch đề ra trước đó không phải để nghỉ ngơi, mà là chuẩn bị cho một cuộc bùng nổ mới sau khi dịch được kiểm soát.
Ông Phùng Chu Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long cho biết, doanh nghiệp ông đang thực hiện đồng thời nhiều giải pháp ứng phó cho cả giai đoạn hiện nay và giai đoạn sau dịch. Trong đó, doanh nghiệp đang dành nhiều thời gian để củng cố bộ máy và chuẩn bị cho việc ra mắt các dự án mới. Bên cạnh đó, Công ty thực hiện đào tạo nội bộ để nâng cao chất lượng quản lý, vận hành dự án. Cùng với đó là hoạt động cải tạo các khu nghỉ dưỡng để có thể phục vụ tốt nhất khách hàng sau khi Covid-19 được khống chế.
Ngoài ra, Phú Long cũng quyết liệt thực hiện chiến lược doanh nghiệp xanh, bảo vệ môi trường, thân thiện với thiên nhiên và con người, hạn chế thiên tai, dịch bệnh.
“Ngoài các giải pháp ứng phó với khó khăn trước mắt, doanh nghiệp còn phải tính tới cả câu chuyện thích nghi với sự thay đổi trên thị trường sau dịch bệnh. Sự biến động của thị trường làm doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức hơn, nhưng mặt khác, nó cũng buộc doanh nghiệp phải thay đổi để tạo ra được những sản phẩm cạnh tranh hơn, giá trị hơn, phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường”, ông Cường cho biết.
Ngoài các giải pháp ứng phó với khó khăn trước mắt, doanh nghiệp còn phải tính tới cả câu chuyện thích nghi với sự thay đổi trên thị trường sau dịch bệnh.
Cũng theo ông Cường, trong định hướng kinh doanh và hoạt động sắp tới của Phú Long, doanh nghiệp đang chuẩn bị toàn bộ nguồn lực cho giai đoạn hậu Covid-19. Đó là việc mở rộng đầu tư sang phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, với tâm điểm là Dự án L’Alyana Senses World rộng 219 ha tại Phú Quốc. Ngoài ra, Phú Long cũng sẽ tiếp tục giới thiệu những dự án khu đô thị và nhà ở mới.
Trong khi đó, ông Hà Văn Thiện cho biết, việc dừng triển khai mở bán dự án sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp, nhưng thời điểm hiện tại, thay vì mở bán, Trần Anh Group quyết định tái cơ cấu hướng đi cho năm 2020. Đó là hoàn thiện pháp lý dự án, cũng như làm hạ tầng, xây căn hộ ở dự án chuẩn bị mở bán và quỹ đất để có thể triển khai mở bán ngay sau khi dịch được kiểm soát.
Còn phía Tập đoàn Hưng Thịnh cho hay, doanh nghiệp đang dồn tổng lực vào việc xây dựng các dự án đã bán trước đó để chuẩn bị bàn giao cho khách hàng đúng và vượt tiến độ. Đồng thời, tinh giản bộ phận bán hàng, chuẩn bị những quyết sách mới về chính sách bán sản phẩm và hỗ trợ khách hàng mua nhà.
Tại Công ty cổ phần Địa ốc Him Lam, bà Lê Thị Bích Ngọc, Phó tổng giám đốc cho biết, dù doanh nghiệp chưa có kế hoạch mở bán dự án vào thời điểm hiện nay, nhưng dịch bệnh cũng khiến doanh nghiệp dừng nhiều kế hoạch đã đề ra trong năm nay. Trước tình hình mới, Công ty đang tập trung đẩy mạnh thực hiện thủ tục pháp lý ở các quỹ đất đã có để có thể sớm triển khai một dự án vào cuối năm.
Các doanh nghiệp địa ốc đều có kế hoạch phát triển hậu Covid-19, song theo giới phân tích thị trường, ngoài nỗ lực của bản thân, các doanh nghiệp này cũng rất cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng. Trong đó, vấn đề lớn nhất để khai thông nguồn lực cho thị trường bất động sản hiện nay vẫn là cơ chế chính sách phải được điều chỉnh và đổi mới toàn diện.
Theo đó, cần thông điệp quốc gia mạnh mẽ về quyết tâm khôi phục kinh tế và kế hoạch kích cầu tổng lực vào cuối quý II hoặc quý III, giúp thu hút nguồn lực đầu tư cả trong và ngoài nước. Cần có tổng chỉ huy trên mặt trận chống suy thoái kinh tế, cũng như trên mặt trận chống dịch. Có như thế, doanh nghiệp và thị trường địa ốc mới hy vọng khởi sắc, phát triển, đóng góp vào công cuộc hồi phục toàn nền kinh tế sau đại dịch.