Chi hơn 860 tỷ đồng đầu tư nâng cấp đường sắt liên vận quốc tế

15/04/2023 11:18 GMT+7
Giai đoạn 2022 - 2025, Bộ GTVT dự kiến sẽ đầu tư, nâng cấp các ga phục vụ vận tải liên vận quốc tế gồm ga Đồng Đăng, Lào Cai, Vật Cách, Kim Liên, Diêu Trì, Sóng Thần với tổng mức đầu tư dự kiến 867 tỷ đồng.

Từ ngày 26/2, lô hàng từ ga Kép, tỉnh Bắc Giang đi Trung Quốc chính thức thông quan theo tuyến đường sắt liên vận quốc tế đã đem lại hiệu quả rõ rệt với những con số tăng trưởng ấn tượng của ngành đường sắt Việt Nam.

Thông tin về tuyến đường sắt liên vận quốc tế xuất phát từ ga Kép, tỉnh Bắc Giang đi Trung Quốc, châu Âu... đại diện Công ty Ratraco là doanh nghiệp khai thác vận tải logistics liên vận quốc tế cho biết, sau hơn 1 tháng tuyến liên vận quốc tế bằng đường sắt từ ga Kép hoạt động đã đạt được khoảng 600 container hàng hoá, doanh thu tăng trưởng tốt.

Doanh thu lớn đường sắt liên vận quốc tế, sẽ nâng cấp thêm nhiều nhà ga - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa tại ga Kép, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: VNR

Con số này so sánh với trước đây khi việc vận chuyển hàng nhập khẩu từ Nam Ninh (Trung Quốc) về bằng đường bộ, thời gian mất vài ngày. Chưa kể trường hợp xảy ra ùn tắc tại cửa khẩu đường bộ, thời gian chờ đợi, vận chuyển sẽ kéo dài, phát sinh chi phí, đến nay, vận chuyển bằng đường sắt từ Nam Ninh về ga Kép, thời gian có thể rút ngắn còn 1 ngày.

"Ga Kép có đường sắt khổ 1.435 mm trùng với khổ đường sắt Trung Quốc nên toa xe tiêu chuẩn từ Trung Quốc sang có thể xếp hàng đi ngay", đại diện Ratraco cho hay.

Về chi phí, doanh nghiệp này cũng cho biết chỉ tính riêng chi phí vận chuyển đường ngắn từ ga Kép về nhà máy khu vực Bắc Giang so với từ ga Yên Viên đi đã giảm được 35-40%. Còn nếu đi khu vực Cái Lân (Quảng Ninh) còn giảm được nữa.

Nhận thấy hiệu quả từ việc nâng cấp tuyến đường sắt liên vận quốc tế, Bộ GTVT đang tính toán nâng cấp mở rộng thêm nhiều nhà ga, tuyến đường sắt để phục vụ nhu cầu vận chuyển này.

Trong giai đoạn 2022 - 2025, Bộ GTVT dự kiến sẽ đầu tư, nâng cấp các ga phục vụ vận tải liên vận quốc tế gồm: Đồng Đăng, Lào Cai, Vật Cách, Kim Liên, Diêu Trì, Sóng Thần với tổng mức đầu tư dự kiến 867 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, vấn đề cần nhất lúc này là công bố các ga có hoạt động liên vận đường sắt quốc tế tương tự công bố cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế.

Hiện trên hệ thống đường sắt Việt Nam có 14 ga có nhu cầu vận tải liên vận quốc tế, trong đó có 7 ga đã công bố liên vận quốc tế, 7 ga chưa được công bố (Đông Anh, Kép, Sen Hồ, Kim Liên, Diêu Trì, Trảng Bom, Vật Cách).

Theo Thứ trưởng Huy, nếu không được công bố ga liên vận quốc tế sẽ không đủ điều kiện mở chi nhánh hải quan tại các ga, làm hạn chế hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, năng lực vận tải bằng đường sắt.

Việc công bố ga liên vận quốc tế không gây thất thoát, lãng phí nhưng mang lại lợi ích lớn cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, khai thác hiệu quả các ga đường sắt hiện có, giảm chi phí vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, để chuẩn bị cho phương án khai thác hoạt động liên vận quốc tế tại ga Kép, năm 2022, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã hoàn thành việc nâng cấp cải tạo và sửa chữa (giai đoạn 1) bãi hàng có tổng diện tích 27.658 m2, đảm bảo đủ điều kiện hoạt động vận tải liên vận quốc tế hàng hóa bằng đường sắt.

Bãi hàng có kết cấu bê tông cốt thép đủ tiêu chuẩn chứa container; xe chở container, hàng nặng và cẩu chuyên dụng hoạt động.

Giai đoạn 2 (từ năm 2025), sẽ tiến hành xây dựng kho bãi ngoại quan để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn Bắc Giang, Bắc Ninh và các tỉnh lân cận.

Bãi hàng chuyên tiếp nhận container lạnh chuyển tải từ phía nam ra tập kết, làm thủ tục hải quan và xếp vận chuyển bằng đường sắt xuất khẩu sang Trung Quốc. Năng lực dự kiến giai đoạn 2 tăng thêm 2-2,5 đôi tàu/ngày.

Thế Anh
Cùng chuyên mục