Động lực nào cho mức tăng phi mã của MBG
Trên sàn HNX, giá cổ phiếu MBG đã tăng gần 1,250% tương ứng vốn hóa gấp hơn 13 lần qua một năm. Thanh khoản của cổ phiếu này cũng cải thiện dần. Khối lượng giao dịch bình quân từ mức hơn 90,000 đơn vị/phiên qua 1 năm đã tăng lên mức hơn 310,000 đơn vị/phiên qua 1 tháng gần đây.
Cổ phiếu này chốt phiên giao dịch ngày 14/11 ở mức giá 58,000 đồng/cp.
Trong khi giá cổ phiếu liên tục phá đỉnh, tình hình kinh doanh của đơn vị này vẫn khá phập phù.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, MBG có doanh thu thuần gần 350 tỷ đồng, tăng so cùng kỳ. Tuy vậy, do thu hẹp biên lợi nhuận gộp, Công ty chỉ thu được hơn 12 tỷ đồng lãi gộp, giảm gần 25%. Điều này dẫn đến kết quả lãi ròng lũy kế gần 6.6 tỷ đồng, giảm gần 32% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, MBG mới chỉ thực hiện 58% chỉ tiêu doanh thu và 37% chỉ tiêu lãi ròng đã đề ra.
Tại cuối tháng 9/2019, MBG có tổng tài sản hơn 503 tỷ đồng, giảm gần 8% so với hồi đầu năm
Về các thương vụ đáng chú ý trong năm 2019, ban lãnh đạo MBG đã quyết định nhận chuyển nhượng phần vốn góp trị giá 6 tỷ đồng tại CTCP MBG Lạc Sanh Phú Yên, nâng sở hữu tại đơn vị này lên 24 tỷ đồng tương đương 48% vốn điều lệ.
Mới nhất vào ngày 12/11, HĐQT của MBG đã quyết định chào bán chuyển nhượng phần vốn góp 3 triệu cp tại CTCP Công nghiệp Miền Trung, với tổng giá trị thu về ít nhất 33 tỷ đồng (tương ứng giá chào bán thấp nhất 11,000 đồng/cp). Sau thương vụ này thành công, MBG vẫn còn nắm giữ 5 triệu cp tương đương 45.55% vốn điều lệ tại Công nghiệp Miền Trung.
Nhìn thoáng qua khó có thể lấy tình hình kinh doanh của MBG làm căn cứ thuyết phục cho đà tăng của cổ phiếu doanh nghiệp này. Vậy câu hỏi đặt ra là động lực nào đứng sau diễn biến tăng phi mã của MBG.