Dòng tiền nhập cuộc trên thị trường ,Giày Thượng Đình “bao giờ mới thoát lỗ”

17/06/2019 16:41 GMT+7
Thị trường tiếp tục có sự lệch pha giữa những chỉ số thị trường khi chỉ số VN-Index giảm mạnh còn HNX-Index thì nhích nhẹ trên mốc tham chiếu. Khối lượng giao dịch tăng mạnh trong phiên hôm nay cho thấy dòng tiền đã bắt đầu gia nhập thị trường.

Nhịp đập thị trường 17/06:

Phiên giao dịch đầu tuần diễn ra với nhịp rung lắc khá mạnh. Áp lực bán mạnh tại các Bluechips khiến VN-Index đóng cửa giảm 6,71 điểm (0,7%) xuống 946,9 điểm. Ngược lại, chỉ số HNX-Index vẫn giữ được sắc xanh với mức tăng 0,04% lên 103,5 điểm.Thanh khoản thị trường khá thấp với giá trị khớp lệnh 3 sàn chỉ đạt khoảng 2.600 tỷ đồng

Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán với 194 mã tăng điểm và 303 mã giảm điểm.Sắc xanh mất dần trong rổ VN30 khi hiện tại chỉ còn EIB giữ được đà tăng trên 2%, CTG và VCB thu hẹp đà tăng xuống dưới 1%. Ở chiều giảm điểm, anh em nhà họ Vin là VIC và VHM là những tác nhân chính kéo chỉ số VN-Index giảm sâu hơn 7 điểm.

Đà giảm vẫn chưa buông tha các Large Cap HPG, TCB, CTD khi sắc đỏ vẫn xâm chiếm các mã này. Điểm đáng chú ý là mã CTD bởi sau khi công bố kết quả hoạt động kinh doanh quý 1/2019 với lãi trước thuế giảm gần 32% so với cùng kỳ, mã này đã rớt không phanh từ vùng giá 140,000-145,000 về vùng 98,000-99,000.

Diễn biến nhóm cao su khá tiêu cực trong phiên hôm nay. Sắc đỏ xuất hiện trên các mã GVR, PHR, DRI, còn DPR thì nhích nhẹ trên mốc tham chiếu.

Nhóm chứng khoán có những diễn biến đầy bi quan khi các ông lớn trong ngành là HCM, SSI, VND đều giảm giá. Các mã SHS, VCI tăng giá quanh mốc 1%.

Ngành dịch vụ ăn uống, lưu trú và giải trí hiện là ngành tăng điểm mạnh nhất trên thị trường khi tăng 2.27%. Ngược lại, vật liệu xây dựng hiện là ngành ảnh hưởng tiêu cực nhất thị trường khi giảm 1.51%.

Giao dịch khối ngoại là điểm sáng trong phiên hôm nay khi họ trở lại mua ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 116 tỷ đồng, trong đó lực mua tập trung vào các Bluechips như VNM (28,7 tỷ đồng), POW (23 tỷ đồng), BVH (15,3 tỷ đồng), E1VFVN30 (15,2 tỷ đồng)…

Trên HoSE, sau 3 phiên bán ròng liên tiếp, khối ngoại đã trở lại mua ròng khá tích cực với 1,93 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 103,25 tỷ đồng.

Trên HNX, khối ngoại cũng mua ròng 35 nghìn cổ phiếu, tương ứng giá trị 1,46 tỷ đồng trong phiên hôm nay.

Trên Upcom, khối ngoại có phiên mua ròng với giá trị 11,46 tỷ đồng.

Giày Thượng Đình đặt mục tiêu “thoát lỗ”

Năm 2019, GTD đặt mục tiêu doanh thu đạt 175 tỷ đồng, xấp xỉ với kết quả đạt được trong năm 2018.

Tính đến thời điểm 31/12/2018, lỗ lũy kế của Công ty vẫn còn gần 17 tỷ đồng, trong khi với mục tiêu lãi ròng dự kiến đạt 50 triệu đồng, GTD sẽ cần rất nhiều thời gian mới có thể xóa được khoản lỗ này.Kết thúc năm 2018, GTD ghi nhận doanh thu đạt hơn 174 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước và lỗ ròng gần 17 tỷ đồng.

Giày Thượng Đình đặt mục tiêu lãi 50 triệu đồng năm 2019

Về tình hình đơn hàng xuất khẩu trong năm qua, GTD cho biết đơn hàng xuất khẩu không được thuận lợi do thay đổi xu hướng tiêu dùng giày dép, chuyển từ dòng giày vải lưu hóa sang dòng giày thể thao gò dán, các đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu giảm mạnh.Đồng thời, với mức giá cao, Công ty khó cạnh tranh với các nhà cung cấp giày ở Việt Nam và Trung Quốc.

Theo Công ty, các chi phí thực thế chung hiện nay cũng chỉ tính toán một phần vào giá thành, nếu đưa hết vào thì giá quá cao, không thể chào hàng được. Vì thực tế sau khi cổ phần hóa, chi phí khấu hao tăng đột biến, tiền thuê đất cũng tăng và quá cao đối với Công ty sản xuất giày đơn thuần cùng ngành.

Đối với tình hình tiêu thụ nội địa, việc cạnh tranh với các cơ sở sản xuất tư nhân nhỏ, bán không hóa đơn và cạnh tranh với giày Trung Quốc là điều không thể tránh khỏi.

Đáng chú ý, tình hình tài chính hiện tại của GTD đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, nợ khó đòi xấp xỉ 12 tỷ đồng, lỗ nhà máy tại Hà Nam từ trước năm 2014 xấp xỉ gần 4 tỷ đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch tài chính và phát sinh lãi ngân hàng. Đồng thời, các khoản chi phí tăng cao rất nhiều, đặc biệt là tiền khấu hao và tiền thuê đất.

HĐQT GTD đánh giá nếu tiếp tục sản xuất kinh doanh như hiện nay, với các chi phí như trên thì rất khó có thể có lãi, nguy cơ lỗ cao.Hiện tại, GTD đang lập kế hoạch di dời cơ sở sản xuất tại 277 Nguyễn Trãi – Thanh Xuân – Hà Nội và xin UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận kế hoạch di dời càng sớm càng tốt.Nguyên nhân là do việc sản xuất tại đại điểm này rất bất lợi vì chi phí quá cao, sản xuất  kinh doanh không thể bù đắp được chi phí thực tế.

Hồng Nhung
Cùng chuyên mục