Dradon Capital bán 165.000 cổ phiếu FPT Retail trong bối cảnh FRT giảm 10 phiên liên tiếp
Nhóm quỹ Dragon Capital đã bán ra 165.000 cổ phiếu FRT. Trong đó, quỹ CTBC Vietnam Equity Fund bán ra 150.000 cổ phiếu và quỹ KB Vietnam Focus Balanced Fund bán ra 15.000 cổ phiếu.
Động thái bán ra này diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu FRT từ mức đỉnh lịch sử 107.000 đồng/cổ phiếu thiết lập (phiên 29/12/2023) giảm 0,9% về mức 96.900 đồng/cổ phiếu (chốt phiên giao dịch ngày 15/1/2024). Ghi nhận đây là phiên giảm giá thứ 10 liên tiếp của cổ phiếu bán lẻ này (-9,4%) đồng thời là chuỗi giảm giá dài nhất sau gần 6 năm niêm yết trên HoSE.
Trước đó, quỹ ngoại này đã liên tục đăng ký mua cổ phiếu FRT vào hồi cuối năm 2023. Cụ thể, ngày 25/9/2023, nhóm quỹ Dragon Capital đã mua thêm 490.000 cổ phiếu FRT; ngày 26/10/2023, Dragon Capital đã mua 180.000 cổ phiếu FRT và ngày 19/12/2023, nhóm quỹ này tiếp tục mua 50.000 cổ phiếu.
Nhìn lại hoạt động kinh doanh quý III/2023, FPT Retail ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng 7% lên 8.265,6 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 1,3 tỷ đồng, giảm 99% so với quý III/2022. Sau thuế, FPT Retail báo lỗ 13 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 85,3 tỷ đồng.
FRT cho biết, trong quý III, công ty con của FRT là CTCP Dược phẩm Long Châu mở mới 584 cửa hàng so với cuối quý III/2022, có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng doanh thu hợp nhất toàn công ty. Tuy nhiên, Long Châu đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng nên chưa đóng góp nhiều về mặt lợi nhuận. Do đó, xét trên góc độ hợp nhất, lợi nhuận sau thuế báo lỗ do ảnh hưởng bởi lợi nhuận sau thuế trên báo cáo riêng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, FPT Retail báo lỗ trước thuế gần 197 tỷ đồng, lỗ sau thuế 225,7 tỷ đồng. Trong khi đó, 9 tháng đầu năm 2022, FPT Retail lãi 368,8 tỷ đồng tước thuế và thu về 301,4 tỷ đồng sau thuế.
ĐHĐCĐ FPT Retail năm 2023 thông qua kế hoạch đạt 240 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay. Như vậy, FPT Retail còn cách mục tiêu lợi nhuận rất xa.