Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột: Nhiều sai sót trong công tác quản lý, điều hành

01/07/2022 09:40 GMT+7
Năng lực điều hành hạn chế và “non” kinh nghiệm của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã dẫn đến khá nhiều sai sót tại Dự án Đường HCM đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột, khiến Dự án có nguy cơ chậm giải ngân vốn đầu tư.


Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột: Nhiều sai sót trong công tác quản lý, điều hành - Ảnh 1.

Thi công công trình đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột Ảnh: Hoàng Tuyết

Hướng tuyến chưa hợp lý

Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước vừa có Thông báo số 266/TB-KTNN về kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột.

Dự án này có tổng mức đầu tư 1.509 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ngân sách Trung ương, được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư.

Tại thời điểm Kiểm toán Nhà nước vào cuộc (31/3/3022), Dự án mới bắt đầu triển khai trên thực địa chưa lâu, nên tổng vốn được kiểm toán chỉ khoảng 367 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay trong bước khởi đầu này, Kiểm toán Nhà nước đã ghi nhận khá nhiều sai sót trong công tác quản lý, điều hành Dự án của các đơn vị liên quan, trong đó có Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk - cơ quan được giao nhiệm vụ chủ đầu tư.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột

- Phạm vi đầu tư: Điểm đầu tuyến Km0+00 tại Km1758+900 - Quốc lộ 14, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar; điểm cuối Km39+606,7 tại Km1790+445 - Quốc lộ 14, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột.

- Quy mô: Công trình giao thông cấp II; tổng chiều dài tuyến 39,6 km; 6 nút giao; bề rộng nền đường 12 m, mặt đường xe chạy 11 m; tốc độ thiết kế 80 km/h.

- Tổng mức đầu tư: 1.509,1 tỷ đồng, trong đó, chi phí xây dựng: 893,386 tỷ đồng; quản lý dự án: 9,291 tỷ đồng; tư vấn: 51,541 tỷ đồng; chi khác: 21,452 tỷ đồng; GPMB: 394,299 tỷ đồng.

Sai sót đáng kể đầu tiên được ghi nhận liên quan đến công tác lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án.

Kiểm toán Nhà nước cho rằng, phương án hướng tuyến được phê duyệt xác định trong Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của Dự án còn tồn tại, hạn chế khi vị trí đầu tuyến tại Km1758+946 (Quốc lộ 14) không đi trùng hướng tuyến theo quy hoạch đường Hồ Chí Minh đã được phê duyệt (lệch gần 1 km).

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh hướng tuyến đã đi qua khu dân cư hiện hữu (do tận dụng, mở rộng đường nối Quốc lộ 14 - Quốc lộ 26 khoảng 2,1 km đầu tuyến) có thể làm phát sinh khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) và sẽ không tận dụng được các hạng mục đã đầu tư phân kỳ giai đoạn I cho Dự án đường Hồ Chi Minh khi thực hiện đầu tư giai đoạn hoàn chỉnh (4 - 6 làn xe cao tốc).

Theo tính toán sơ bộ, chi phí để đầu tư đường nối 2,1 km do điều chỉnh vị trí điểm đầu Dự án không trùng vị trí theo quy hoạch là 67,5 tỷ đồng, đến giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh sẽ phải đầu tư 2,642 km còn lại theo đúng quy hoạch. Khi đó, đoạn đường nối 2,1 km sẽ trả lại cho địa phương quản lý.

Việc phải bỏ hàng chục tỷ đồng để điều chỉnh vị trí điểm đầu là chuyện 5 đến 10 năm tới, nhưng ngay tại thời điểm này, các đơn vị liên quan đã phải trả giá khá đắt khi đưa hướng tuyến Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột “lao thẳng” vào khu dân cư đông đúc.

Mặc dù có quy mô diện tích GPMB không lớn (khoảng 116,99 ha), nhưng số hộ dân bị ảnh hưởng tại Dự án lên tới 1.388 hộ - con số khá nhiều so với một dự án hạ tầng giao thông quy mô trung bình được triển khai tại Tây Nguyên.

Tính đến tháng 6/2022, Dự án mới chỉ bàn giao mặt bằng được 8,94/39,6 km, thi công đạt 22,5% (trong đó, phạm vi đã đền bù GPMB dài 4,692 km, phạm vi vận động bàn giao hơn 4,2 km).

Cần phải nói thêm rằng, Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột được lên kế hoạch thực hiện trong giai đoạn năm 2020 - 2023. Rất khó để nói rằng Dự án sẽ về đích đúng tiến độ, khi khối lượng mặt bằng chưa được bàn giao lên tới gần 73,5%, trong khi thời hạn thi công còn vỏn vẹn 1 năm.

Vẫn theo Kiểm toán Nhà nước, đối với đoạn tuyến nằm trong quy hoạch đường Hồ Chí Minh (chiều dài 32 km), nội dung trong hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư cũng như tại Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án chưa xem xét đến việc thiết kế phân kỳ đường cao tốc theo quy định của Bộ GTVT. Hàng loạt yếu tố tuyến trong giai đoạn phân kỳ chưa được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc trong tương lai; chưa bố trí mặt bằng và cắm mốc lộ giới đủ cho xây dựng đường cao tốc.

Kiểm toán Nhà nước lo ngại sẽ phát sinh vướng mắc, khó khăn khi triển khai thực hiện giai đoạn đầu tư hoàn chỉnh đường Hồ Chí Minh trong tương lai.

Chủ đầu tư “non” kinh ngiệm quản lý, điều hành

Những sai sót liên quan đến lựa chọn hướng tuyến, phân kỳ chưa hợp lý thuộc trách nhiệm của các đơn vị lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cũng mắc không ít sai sót trong quá trình lựa chọn nhà thầu, đàm phán, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột được chủ đầu tư chia hạng mục xây lắp thành 2 gói thầu. Tại thời điểm Kiểm toán Nhà nước vào cuộc, 2 gói thầu xây lắp đã hoàn thành lựa chọn nhà thầu.

Trong đó, Gói thầu số 3 (Km 0+00 - Km20+500), chiều dài 20,5 km có giá trị hợp đồng 514,913 tỷ đồng (bao gồm dự phòng) được trao cho Liên danh Công ty TNHH An Nguyên - Công ty TNHH Xây dựng và TM Sài Gòn - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty cổ phần Phát triển xây dựng và thương mại Thuận An, thời gian khởi công là ngày 9/12/2021, dự kiến hoàn thành tháng 12/2023.

Gói thầu số 4 (Km20+500 - Km39+606,7), chiều dài 19,16 km, có giá trị hợp đồng 515,877 tỷ đồng (bao gồm dự phòng) được trao cho Liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn - Công ty TNHH An Nguyên - Công ty TNHH MTV Xây dựng 470 - Công ty cổ phần Licogi 166 - Công ty TNHH Phương Đông, thời gian khởi công là ngày 4/3/2022, dự kiến hoàn thành tháng 12/2023.

Theo Kiểm toán Nhà nước, hồ sơ mời thầu các gói thầu xây lắp không quy định mức tạm ứng, điều kiện tạm ứng, việc thu hồi tạm ứng theo quy định của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP về quy định chi tiết hợp đồng xây dựng. Tại Gói thầu số 4, quy định về máy móc, thiết bị thi công cần thiếp đáp ứng cho gói thầu tại hồ sơ mời thầu không phù hợp với biện pháp thi công được duyệt. Hợp đồng xây lắp theo đơn giá điều chỉnh, nhưng hồ sơ mời thầu không quy định rõ nội dung và nguyên tắc sử dụng chi phí dự phòng.

Bên cạnh đó, trong nội dung hợp đồng các gói thầu xây lắp, chủ đầu tư và nhà thầu thi công không thỏa thuận cụ thể về số lần thanh toán, giai đoạn thanh toán theo quy định tại Nghị định số 37/2015/NĐ-CP; quy định nguồn chỉ số để tính điều chỉnh giá trong hợp đồng các gói thầu xây lắp do Tổng cục Thống kê cung cấp là không phù hợp với quy định hiện hành.

Liên quan đến tiến độ thực hiện các gói thầu, Kiểm toán Nhà nước cho biết, đến thời điểm ngày 31/3/2022, một số nhà thầu tại Gói thầu số 3, số 4 đã tập kết vật liệu, có huy động một số máy móc, thiết bị, nhưng giá trị thực hiện tại hiện trường mới đạt 1% giá trị hợp đồng.

“Nguyên nhân chậm tiến độ là do công tác GPMB gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Đến thời điểm kiểm toán, chủ đầu tư và các bên liên quan chưa thu hồi được mặt bằng bàn giao cho nhà thầu thi công”, Thông báo của Kiểm toán Nhà nước nêu rõ.

Tại Thông báo số 266/TB-KTNN, Kiểm toán Nhà nước cho biết, đến thời điểm 31/3/2022, Dự án đang triển khai không đạt tiến độ ban đầu đề ra, kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải thay đổi. Trong khi đó, các gói thầu xây lắp mới triển khai khởi công; việc triển khai công tác GPMB rất chậm, đến ngày 14/1/2022, UBND tỉnh Đắk Lắk mới ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện công tác bồi thường, GPMB. Tính đến thời điểm kiểm toán, UBND tỉnh Đắk Lắk thậm chí chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư ở các địa phương có Dự án đi qua.

Đặc biệt, việc xác định nhu cầu và đăng ký vốn chưa phù hợp với thực tế tiến độ Dự án, chưa căn cứ trên cơ sở dự kiến khối lượng nghiệm thu hoàn thành các gói thầu xây lắp, công tác GPMB, dẫn đến kết quả giải ngân vốn đầu tư chưa đạt kế hoạch (năm 2020 giải ngân đạt 42,5%; năm 2022, đến thời điểm 31/3/2022 giải ngân đạt 10,8%).

Trên thực tế, Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột đang vướng rất nặng về mặt bằng, giá trị xây lắp hoàn thành quá thấp, tiềm ẩn nguy cơ chậm giải ngân vốn đầu tư so với kế hoạch vốn được bố trí.

Những sai sót nêu trên phần nhiều là do năng lực điều hành, kinh ngiệm quản lý dự án còn “non” của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk.

Điều đáng nói là, UBND tỉnh Đắk Lắk vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT cam kết và giới thiệu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đứng ra đảm nhận Dự án thành phần 3, Dự án Xây dựng tuyến đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Theo tính toán sơ bộ, Dự án thành phần 3 (Km69+500 - Km117+866) với chiều dài khoảng 48,5 km trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6.485 tỷ đồng. Trong khi đó, kể từ khi thành lập đến nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk mới chỉ làm chủ đầu tư và quản lý 59 công trình với tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng.

Tại Thông báo số 266, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương đẩy nhanh tiến độ GPMB, rà soát các nội dung hợp đồng đã ký.

“Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk phải tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến các tồn tại, hạn chế trong quản lý tiến độ công trình”, đại diện Kiểm toán Nhà nước yêu cầu.

Theo Báo Đầu tư
Cùng chuyên mục