Dự trữ ngoại hối của Việt Nam cao kỷ lục
Tại buổi gặp mặt cuối năm với các tổ chức quốc tế và các đối tác nước ngoài tại Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết lượng dự trữ ngoại hối của Việt Nam được tích lũy cao ở mức kỷ lục trong năm 2019.
Thống đốc cho rằng, điều này cho thấy lòng tin vào chính sách của Chính phủ và NHNN đã và đang tiếp tục được củng cố, hỗ trợ cho các chính sách kinh tế vĩ mô khác trong thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao khả năng chống chọi với các cú sốc của nền kinh tế, tiến tới phát triển bền vững.
Cụ thể về mức dữ trữ ngoại hối, theo báo cáo thị trường tiền tệ của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) hồi đầu tháng này, tính đến hết tháng 10 NHNN ghi nhận tháng thứ 4 liên tiếp mua vào ngoại tệ. Lượng mua vào đợt này lớn và chỉ đứng sau 4 tháng đầu năm.
SSI Research cũng đưa ra con số dự trữ ngoại hối hiện ở mức 73 tỷ USD và kỳ vọng dự trữ ngoại hối vẫn có thể tăng thêm nhờ nguồn ngoại tệ dồi dào từ thặng dư thương mại, dòng vốn FDI và các giao dịch bán vốn, hợp tác kinh doanh lớn.
Trước đó, hồi đầu tháng 10, tại tọa đàm công bố báo cáo kinh tế quý III, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng đã công bố dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã vượt 71 tỷ USD. Tuy nhiên, VEPR đánh giá dự trữ ngoại hối của Việt Nam mới chỉ ở mức an toàn so với qui mô thương mại đang gia tăng hiện nay của Việt Nam. Cơ quan này cũng khuyến cáo NHNN nên cân đối việc tăng dự trữ ngoại hối với việc đối phó với cáo buộc thao túng của Mỹ.
Theo PGS. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR, việc gia tăng mua vào ngoại tệ cũng sẽ ổn định đồng Việt Nam bởi lãi suất của Việt Nam tương đối cao so với thế giới; Dòng vốn giải ngân đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng; Thặng dư thương mại vẫn được duy trì và hoạt động mua bán vốn khác vẫn ổn định.
Ông Phạm Thế Anh cũng lưu ý NHNN cần tích trữ dòng vốn đủ lớn, để đảm bảo khả năng ứng phó khi dòng vốn nước ngoài có xu hướng đảo chiều.