Đừng để cà phê Việt 'đuối sức' tại thị trường vô cùng quan trọng này

13/03/2022 12:46 GMT+7
Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản đang bị giảm từ 25,25% năm 2020 xuống 24,62% năm 2021.

Nhu cầu tiêu thụ cà phê sẽ tăng trở lại ở Nhật Bản

Văn hóa uống cà phê châu Âu đã ảnh hưởng tích cực đến tập quán tiêu thụ đồ uống nóng tại Nhật Bản, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu đối với cà phê trong giới trẻ. Điều này không chỉ khiến giới trẻ tiêu dùng cà phê hòa tan tại các quán cà phê đặc biệt và các cửa hàng cà phê có thương hiệu, mà còn khuyến khích họ tự pha chế cà phê hòa tan tại nhà, khiến nhu cầu về các loại cà phê hòa tan tăng. 

Nhập khẩu cà phê của Nhật Bản ghi nhận mức thấp trong 2 năm liên tiếp 2020 và 2021 do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, sự phổ biến của cà phê đang tăng lên và lan rộng trên toàn cầu dẫn đến nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tại Nhật Bản sẽ tăng trở lại vào những năm tới. 

Theo số liệu từ ITC, năm 2021, Nhật Bản nhập khẩu cà phê đạt 409,8 nghìn tấn, trị giá xấp xỉ 1,32 tỷ USD, tăng 2,7% về lượng và tăng 11,6% về trị giá so với năm 2020. 

Đừng để cà phê Việt 'đuối sức' tại thị trường vô cùng quan trọng này - Ảnh 1.

Nguồn: ITC

Về giá nhập khẩu: Năm 2021, giá nhập khẩu bình quân cà phê vào Nhật Bản đạt mức 3.212 USD/tấn, tăng 8,7% so với năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê từ hầu hết nguồn cung chính tăng, mức tăng cao nhất 23,2% từ Guatemala và mức tăng thấp nhất 5,9% từ Brazil.

Về cơ cấu nguồn cung: Năm 2021, Nhật Bản tăng nhập khẩu cà phê từ Brazil, Việt Nam, nhưng giảm nhập khẩu từ các thị trường cung cấp chính như: Colombia, Guatemala, Etiopia. 

Số liệu thống kê từ ITC cho thấy: Nhập khẩu cà phê của Nhật Bản từ Brazil trong năm 2021 đạt 146,4 nghìn tấn, trị giá 406,3 triệu USD, tăng 25% về lượng và tăng 32,5% về trị giá so với năm 2020. Thị phần cà phê của Brazil trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản chiếm 35,73% năm 2021, cao hơn so với thị phần 29,36% năm 2020. 

Nhập khẩu cà phê của Nhật Bản từ Việt Nam trong năm 2021 đạt xấp xỉ 101 nghìn tấn, trị giá 182,9 triệu USD, tăng 0,2% về lượng và tăng 7,7% về trị giá so với năm 2020. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản đang bị giảm từ 25,25% năm 2020 xuống 24,62% năm 2021.

Đừng để cà phê Việt 'đuối sức' tại thị trường vô cùng quan trọng này - Ảnh 2.

Nguồn: ITC

Đừng để cà phê Việt 'đuối sức' tại thị trường vô cùng quan trọng này - Ảnh 3.

Nguồn: ITC

Đừng để cà phê Việt 'đuối sức' tại thị trường vô cùng quan trọng này - Ảnh 4.

Thuốc bảo vệ thực vật hay chất bảo quản sử dụng đối với sản phẩm cà phê phải được quản lý một cách thống nhất, an toàn trong mọi khâu từ trồng trọt, bảo quản, chế biến, đóng gói, vận chuyển cho đến xuất khẩu.

Đừng để cà phê Việt 'đuối sức'...

Thực tế, tại Nhật Bản, nhu cầu tiêu thụ cà phê mỗi giai đoạn đều có sự biến đổi, theo hướng càng ngày càng gia tăng. Lượng tiêu thụ cà phê tại Nhật hiện nay đã tăng gấp đôi so với những năm 2000 và tăng trưởng mạnh lượng tiêu thụ tại các gia đình, công sở, cửa hàng cà phê…

Tại Nhật Bản có 4 cách uống cà phê chủ yếu: Cà phê hòa tan, pha thông thường, cà phê lon, cà phê đóng chai. Cà phê bán tại chuỗi cửa hàng tiện lợi (Family Mart, 7 Eleven, Lawson…) giá khoảng 30.000-40.000 VND/ly; bán tại chuỗi cửa hàng cà phê (Starbucks, Doutor, Tully’s…) giá khoảng 70.000-90.000 VND/ly. 

Tại các chuỗi cửa hàng đều bán nhiều loại cà phê (trên 20 loại hạt cà phê), thường có những menu đồ uống đặc biệt, hấp dẫn đáp ứng các nhu cầu, sở thích khác nhau của người tiêu dùng, và mỗi chuỗi có những chiến lược marketing riêng. Xu hướng cà phê giảm lượng cafein cũng được các chuỗi sử dụng để phục vụ người tiêu dùng thích uống vào ban đêm hoặc dành cho khách hàng là nữ giới.

Trong số hai loại hạt cà phê phổ biến nhất là Arabica và Robusta, Arabica được coi là cao cấp hơn về hương thơm, mùi vị và chất lượng tổng thể và được sử dụng bởi hầu hết các quán cà phê và nhà hàng. 

Trước đây, việc Chính phủ Nhật Bản nhiều lần ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch Covid-19 khiến các quán cà phê và nhà hàng trên toàn quốc phải đóng cửa, giáng đòn mạnh vào nhu cầu đối với cà phê Arabica. Ngay cả khi tình trạng khẩn cấp đã không còn như hiện nay thì lượng khách hàng tại các quán cà phê và nhà hàng vẫn chưa hồi phục hoàn toàn như giai đoạn trước, khiến nhu cầu về cà phê Arabica suy giảm. 

Ngược lại, nhu cầu đối với Robusta - loại cà phê rẻ hơn và có vị đắng hơn, thường được sử dụng trong các sản phẩm cà phê hòa tan - tăng mạnh do các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 khiến mọi người ở nhà nhiều hơn. Xu hướng này đã giúp Việt Nam - nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới – vượt qua Brazil để trở thành nhà cung cấp cà phê Robusta lớn nhất sang Nhật Bản.

Đừng để cà phê Việt 'đuối sức' tại thị trường vô cùng quan trọng này - Ảnh 5.

Lượng tiêu thụ cà phê tại Nhật hiện nay đã tăng gấp đôi so với những năm 2000 và tăng trưởng mạnh lượng tiêu thụ tại các gia đình, công sở, cửa hàng cà phê…

Có thể nói, thị trường Nhật Bản đang vô cùng triển vọng với cà phê Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu không nên vì dịch Covid-19 hay khó khăn trong khâu vận chuyển mà để bị "đuối sức" ở thị trường này.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến cáo, để đẩy mạnh xuất khẩu cà phê vào thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp vẫn phải đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm theo Luật Vệ sinh Thực phẩm, cũng như các tiêu chuẩn về dư lượng thuốc trừ sâu theo Danh mục các hóa chất nông nghiệp được phép sử dụng tại Nhật Bản. 

Người tiêu dùng Nhật Bản ngày càng quan tâm và có độ nhạy cảm cao đối với chất lượng và vấn đề vệ sinh an toàn trong sản phẩm thực phẩm nhập khẩu. Thuốc bảo vệ thực vật hay chất bảo quản sử dụng đối với sản phẩm cà phê phải được quản lý một cách thống nhất, an toàn trong mọi khâu từ trồng trọt, bảo quản, chế biến, đóng gói, vận chuyển cho đến xuất khẩu. 

Luật pháp Nhật Bản rất khắt khe đối với các trường hợp hàng nhập khẩu vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với các trường hợp đã bị cảnh cáo trước đó mà vẫn để tái diễn vi phạm, Cơ quan Hải quan Nhật Bản sẽ yêu cầu tăng tần suất và mức độ kiểm tra bắt buộc đối với mọi lô hàng của mọi nhà xuất khẩu sản phẩm cùng loại từ quốc gia có vi phạm. Điều này có thể làm phát sinh rất nhiều thời gian và chi phí không cần thiết cho các nhà xuất khẩu và làm giảm sức cạnh tranh của cà phê Việt Nam

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động trao đổi thương mại song phương, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đang kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường tham gia, quảng bá các sản phẩm cà phê tại các hội chợ, triển lãm thương mại tại Nhật Bản. Nhiều sản phẩm cà phê Việt Nam, thông qua thương vụ đã được giới thiệu tới các công ty, chuỗi siêu thị Nhật Bản có nhu cầu… và được kỳ vọng sẽ được nhập khẩu chính thức vào Nhật Bản trong thời gian sắp tới.

Hiện số lượng các chuỗi siêu thị, các cửa hàng cà phê tại Nhật Bản có bán cà phê Việt Nam có xu hướng gia tăng. Cùng với sự gia tăng mạnh số lượng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, sản phẩm cà phê pha sẵn uống liền hay cà phê rang xay cũng được các hệ thống cửa hàng đồ Việt bán rất nhiều. Điều này cho thấy các thương hiệu cà phê của Việt Nam đang ngày càng có chỗ đứng tại một thị trường khó tính và giàu tính cạnh tranh như Nhật Bản.

Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 2/2022 đạt 130 nghìn tấn, trị giá 304 triệu USD, giảm 20,4% về lượng và giảm 18,0% về trị giá so với tháng 1/2022, so với tháng 2/2021 tăng 5,7% về lượng và tăng 40,1% về trị giá. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 293 nghìn tấn, trị giá 674 triệu USD, tăng 3,4% về lượng và tăng 35,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, ngoài Nhật Bản, xuất khẩu cà phê Robusta sang các thị trường Đức, Bỉ và Anh tăng trưởng ở mức cao.

Giá cà phê hôm nay (13/3) dao động trong khoảng 40.200 - 40.800 đồng/kg. Trong 6 ngày qua, thị trường cà phê nhìn chung có xu hướng đi lên. Các tỉnh thành ghi nhận mức tăng 1.000 đồng/kg so với đầu tuần. Cụ thể: Giá cà phê trong tuần qua biến động trái chiều song xu hướng chung là đi lên. So với đầu tuần, giá thu mua tại các địa phương trọng điểm tăng 1.000 đồng/kg. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk là địa phương ghi nhận mức cao nhất, đạt 40.800 đồng/kg. Thấp nhất là tỉnh Lâm Đồng với mức 40.200 đồng/kg. Tương tự, sau biến động, ba tỉnh Gia Lai, Đắk Nông và Kon Tum hiện giao dịch với chung mức 40.700 đồng/kg.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục