Nguồn cung thắt chặt, giá cà phê sẽ khó hạ nhiệt
Giá cà phê toàn cầu có xu hướng giảm trong ngắn hạn
Tháng 2/2022, giá cà phê Robusta kỳ hạn gần tăng, kỳ hạn dài giảm so với cuối tháng 1/2022; giá cà phê Arabica tăng.
Cụ thể: Trên sàn giao dịch London, ngày 28/02/2022, giá cà phê Robusta giao kỳ hạn tháng 3/2022 và tháng 5/2022 tăng lần lượt 4,7% và 0,2% so với ngày 28/01/2022, lên mức 2.293 USD/tấn và 2.178 USD/tấn. Ngược lại, giá cà phê giao kỳ hạn tháng 7/2022 và tháng 9/2022 giảm lần lượt 0,3% và 0,4% so với ngày 28/01/2022, xuống mức 2.157 USD/tấn và 2.152 USD/tấn.
Trên sàn giao dịch New York, ngày 28/2/2022, giá cà phê Arabica giao kỳ hạn tháng 3/2022, tháng 5/2022, tháng 7/2022 và tháng 9/2022 tăng lần lượt 3,4%, 2,6%, 2,3% và 2,0% so với ngày 28/01/2022, lên mức 240,05 Uscent/ lb, 238,65 Uscent/lb, 237,2 Uscent/lb và 235,65 Uscent/lb.
Trên sàn giao dịch BMF của Brazil, ngày 28/02/2022, giá cà phê giao kỳ hạn tháng 3/2022, tháng 5/2022, tháng 7/2022 và tháng 9/2022 tăng lần lượt 0,4%, 3,6%, 0,5% và 2,3% so với ngày 28/01/2022, lên mức 289 Uscent/ lb, 292,45 Uscent/lb, 285,65 Uscent/lb và 292,6 Uscent/lb.
Tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.233 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, giảm 13 USD/tấn (tương đương mức giảm 0,6%) so với ngày 28/1/2022.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, giá cà phê toàn cầu có xu hướng giảm trong ngắn hạn. Giới đầu cơ rút vốn tìm nơi trú ẩn an toàn do lo ngại rủi ro khi tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang. Về dài hạn, giá cà phê sẽ phục hồi khi căng thẳng này hạ nhiệt. Tỷ giá đồng Real tăng khiến người trồng cà phê Brazil giảm bán ra, ngay cả khi nước này và một số quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn bước vào vụ thu hoạch vụ mùa mới vào cuối tháng 3 tới, góp phần đáng kể vào nguồn cung thiếu hụt hiện tại.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 4/3), giá cà phê Robusta trên sàn ICE Futures Europe - London kỳ hạn giao tháng 5/2022 tăng mạnh trở lại 25 USD (1,24%), giao dịch tại 2.038 USD/tấn. Kỳ hạn giao tháng 7/2022 cũng tăng trở lại 22 USD (1,1%), giao dịch tại 2.013 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trung bình.
Giá cà phê Arabica trên sàn ICE Futures US - New York kỳ hạn giao tháng 5/2022 cũng quay đầu tăng 1,35 Cent (0,61%), giao dịch tại 224,25 Cent/lb. Trong khi, giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 7/2022 giảm 1,35 Cent (0,61%), giao dịch tại 223 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Trong nước, tháng 2/2022, giá cà phê Robusta của ta vẫn giữ ở mức cao. So với cuối tháng 01/2022, giá cà phê trong nước vẫn tăng mạnh. Ngày 28/02/2022, giá cà phê tại thị trường nội địa tăng 1.200 đồng/kg so với ngày 28/01/2022, lên mức cao nhất 41.000 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk; mức thấp nhất 40.400 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng; tại tỉnh Gia Lai và Đắk Nông ở mức 40.900 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay (6/3) dao động trong khoảng 39.100 - 39.700 đồng/kg. Trong 6 ngày qua, thị trường cà phê nhìn chung có xu hướng đi xuống. Các tỉnh thành ghi nhận mức giảm mạnh đến 1.300 đồng/kg so với đầu tuần. So với đầu tuần, giá thu mua tại các địa phương trọng điểm giảm 1.300 đồng/kg.
Trong đó, tỉnh Đắk Lắk là địa phương ghi nhận mức cao nhất, đạt 39.700 đồng/kg. Thấp nhất là tỉnh Lâm Đồng với mức 39.100 đồng/kg. Tương tự, sau biến động, ba tỉnh Gia Lai, Đắk Nông và Kon Tum hiện giao dịch với chung mức 39.600 đồng/kg.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ tiếp tục có lợi thế
Theo số liệu ước tính, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 293 nghìn tấn, trị giá 674 triệu USD, tăng 3,4% về lượng và tăng tới 35,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 2, do trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nên xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 130 nghìn tấn, trị giá 304 triệu USD, giảm 20,4% về lượng và 18% về trị giá so với tháng trước. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm ngoái vẫn tăng 5,7% về lượng và 40,1% về trị giá.
Đáng chú ý, hoạt động bán ra của Việt Nam trong thời gian qua cũng được thúc đẩy bởi giá cà phê ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tính đến tháng 2 giá xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt cao nhất kể từ năm 2017 với bình quân 2.337 USD/tấn, tăng 3% so với tháng trước và tăng tới 32,6% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.299 USD/tấn, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Nhu cầu và giá hiện đang khá tốt nhưng các nhà xuất khẩu cũng tỏ ra lo ngại khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang có thể khiến xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường này bị ảnh hưởng.
Các lệnh trừng phạt đối với Nga từ các nước phương Tây và Mỹ có thể gián tiếp ảnh hưởng đến giao dịch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Nga, nước nhập khẩu cà phê lớn thứ 4 của Việt Nam sau EU, Mỹ và Nhật Bản, chiếm hơn 5% tổng khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021.
Trong tháng 01/2022, cà phê Robusta của Việt Nam được xuất khẩu tới trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó xuất khẩu nhiều nhất sang các thị trường thành viên EU (Đức, Bỉ, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan), Anh, Nga, Hoa Kỳ, Philippines. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê Robusta sang các thị trường Đức, Bỉ và Anh tăng trưởng ở mức cao.
Thị trường cà phê chịu áp lực giảm do lo sợ bất kỳ cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nào liên quan tới khủng hoảng ở Ukraine có thể hạn chế nhu cầu. Các nhà buôn cũng có lo lắng rằng doanh số bán sang Nga, một khách hàng lớn có thể chậm lại do các lệnh trừng phạt.
Thực tế, giá cà phê thế giới dù đã hạ nhiệt so với trước đó nhưng vẫn đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua do nguồn cung toàn cầu thắt chặt. Tính đến ngày 4/3, giá cà phê Robusta toàn cầu giảm 0,7% so với tháng trước nhưng tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 2.162 USD/tấn.
Tương tự, giá cà phê Aarabica toàn cầu dao động ở mức 224,2 US cent/pound, giảm 7,32% so với đầu tháng 2 nhưng tăng đến 74,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù đã hạ nhiệt nhưng giá cà phê thế giới vẫn đang ở mức cao nhất kể từ năm 2014.
Trong báo cáo mới đây của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), cơ quan này cho biết các nhà nhập khẩu đang chuyển sang mua cà phê Robusta từ các nước châu Á như Việt Nam, Indonesia... để bù đắp cho sự tăng giá và thiếu hụt của cà phê Arabica tại khu vực Nam Mỹ.
Còn theo số liệu của Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé), xuất khẩu cà phê của Brazil trong tháng đầu năm 2022 nối dài đà suy giảm khi chỉ đạt 3,2 triệu bao, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tắc nghẽn vận chuyển đã khiến xuất khẩu chậm lại, trong khi tìm kiếm không gian trống trên tàu hiện vẫn rất khó khăn.
Mặt khác, Brazil đang trong vụ mùa thu hoạch thấp theo chu kỳ hai năm một lần với lượng dự trữ giảm và lượng cà phê sẵn có thấp hơn, điều này chỉ có thể cải thiện khi vụ thu hoạch mới diễn ra trong tháng 5 đến tháng 6 tới.
Còn tại Colombia, thông tin mới nhất từ Liên đoàn Cà phê Colombia (FNC) cho biết sản lượng cà phê của nước này trong tháng 2 là 928.000 bao loại 60 kg, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 2 tháng đầu năm, sản lượng cà phê của Colombia đã giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái do thời tiết bất lợi kéo dài, xuống chỉ còn 1,8 triệu bao. Xuất khẩu cà phê của Colombia trong 2 tháng đầu năm cũng đã giảm 14% xuống chỉ còn hơn 2 triệu bao.
Trong khi các đối thủ cạnh tranh như Brazil và Colombia vẫn đang chật vật với những khó khăn về chuỗi cung ứng và sản lượng sụt giảm thì nguồn cung dồi dào từ vụ thu hoạch mới đây sẽ là lợi thế để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trong những tháng tới.