Đừng mặc định tín dụng tiêu dùng lãi suất phải cao
Tín dụng tiêu dùng có còn là 'gà đẻ trứng vàng'?
Chia sẻ tại buổi toạ đàm trực tuyến "Làm gì để thúc đẩy cho vay cá nhân hậu Covid-19? vừa tổ chức, các chuyên gia đều cho rằng, tiềm năng triển vọng về tăng trưởng kinh tế năm nay của Việt Nam còn tương đối sáng sủa so với nhiều nước, đâu đó khoảng 4 -5% - là mức cao nhất trong khu vực. Trong khi đó quy mô của tiêu dùng cá nhân là rất lớn, tương đương 80% GDP. Hiện cho vay tiêu dùng ở Việt Nam, tính cả cho vay mua nhà sửa nhà, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ, còn nếu bóc tách ra tín dụng bất động sản nhà ở thì cho vay tiêu dùng chỉ khoảng 12% tổng dư nợ - ở mức thấp so với trung bình, so với Trung Quốc 21%. Bởi vậy dư địa để tín dụng tiêu dùng phát triển là rất đáng kể.
Ngoài ra, văn hóa vay mượn của người tiêu dùng cũng thay đổi. Người sẽ sẵn sàng đi vay nhiều hơn cho nên cũng sẽ là điều kiện để thúc đẩy cho vay tiêu dùng.
Chưa kể, trên thực tế, số lượng người tiêu dùng vay vốn ở các ngân hàng còn rất thấp so với nhu cầu bởi những yêu cầu khắt khe về hồ sơ vay vốn. Trong khi đó, nhu cầu vay tiêu dùng của người dân ngày càng tăng. Do đó, theo TS. Cấn Văn Lực, cho vay tiêu dùng đang là "thời điểm vàng" để các công ty tài chính tiêu dùng phát triển.
Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức – Chủ tịch HĐTV công ty luật Basico cũng thừa nhận, tiềm năng của cho vay tiêu dùng vẫn còn rất lớn. "Có thể năm nay sẽ bị ảnh hưởng đôi chút do tác động của dịch bệnh nhưng vài năm tới thì tín dụng tiêu dùng vẫn là gà đẻ trứng vàng, thậm chí còn đẻ nhiều và trứng to" - luật sư Trương Thanh Đức nhận xét vui.
Thế nhưng, để nắm bắt được cơ hội này, Luật sư Trương Thanh Đức, nhấn mạnh đến việc phải tạo ra sức mạnh cạnh tranh trên thị trường.
Công ty tài chính muốn cho vay nhiều thì phải có thủ tục nhanh chóng, đơn giản, dễ dàng, có phần mềm, chuyên gia để tập hợp dữ liệu, chấm điểm tiêu chí khách hàng phù hợp, an toàn nhất, còn tuyệt đối thì không vì lĩnh vực này có rủi ro rất lớn. Nếu ngồi chờ khách hàng tìm đến như ngân hàng thì khó cho vay được.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải tạo ra nhiều sản phẩm, chương trình. Đặc biệt, cần liên kết với các nhà cung ứng, bán hàng. Khi vay tiêu dùng, khách hàng rất hạn chế mang tiền về rồi tiêu pha không rõ ràng. Do đó, cần có sự liên kết với nhà phân phối để có thể hỗ trợ nhau quản lý.
Đừng mặc định tín dụng tiêu dùng lãi suất phải cao
TS. Cấn Văn Lực lưu ý, sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp và công ty tài chính đã đến lúc rà soát lại chiến lược kinh doanh của mình. "Các công ty tài chính phải quan tâm hơn đến phát triển nền tảng công nghệ. Nhiều công ty hiện vẫn còn quản lý thủ công, tốn kém, dẫn đến buộc phải đẩy lãi suất cao lên", ông Lực nói.
Ngoài ra, công ty tài chính tiêu dùng cần cân đối giữa rủi ro và lãi suất. Không mặc định tín dụng tiêu dùng thì lãi suất phải cao. Nếu quản lý hiệu quả, giảm được các gánh nặng trong vận hành thì vẫn đưa ra được mức lãi suất hợp lý cho người dân, tăng mối quan hệ bền vững với khách hàng.
Về khả năng thu hút đầu tư vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng ở Việt Nam hậu Covid-19, theo ông Lực, tín dụng tiêu dùng còn nhiều tiềm năng, nhưng còn phụ thuộc vào quan điểm của Nhà nước về vấn đề này. Nhà nước nên cởi mở hơn với các mô hình tín dụng mới nhưng có kiểm soát. Với kinh tế số, các mô hình kinh doanh mới, bao gồm cả tín dụng số cũng phải như vậy.
Cụ thể, cần có khung pháp lý để kiểm soát ngay từ đầu. Hai là để tự do phát triển một thời gian, sau đó sẽ điều chỉnh vào khuôn khổ. Hiện nay, Việt Nam đang áp dụng hình thức đầu: cho hoạt động thí điểm trong khuôn khổ khung pháp lý, là cách thức tiếp cận cởi mở và phù hợp.
"Việt Nam đang trong một xu thế quan trọng: Kinh tế số, các mô hình kinh doanh số có đà phát triển cực mạnh sau đại dịch. Chúng ta không thể đi chệch thời đại", ông Lực nói.
Dưới góc độ chuyên gia nghiên cứu luật, ông Trương Thanh Đức cũng nhìn nhận: "Cơ hội phát triển cho tín dụng tiêu dùng từ khung pháp lý. Với quy định hiện nay như Thông tư 43 thì hợp lý nhưng các tổ chức tín dụng vẫn mong muốn được rộng rãi, xênh xang hơn nữa. Nhưng có hai mặt của vấn đề, khi thị trường phát triển nóng, nhu cầu người dân lớn mà quản lý không chặt dẫn đến rủi ro cho bản thân doanh nghiệp và cả hệ thống ngân hàng".
Hiện nay, số lượng tổ chức cho vay tín dụng tiêu dùng chính thức chưa nhiều, dẫn đến ít cạnh tranh. "Tín dụng đen" lúc này là điều tất yếu vì tín dụng tiêu dùng chính thức không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Cần phải phát triển thêm các tổ chức tín dụng cả về số lượng và mô hình. Để được như thế cần phải khuyến khích về cơ chế, về thị trường để nhiều đơn vị tham gia.