Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam giúp doanh nghiệp tạo ra việc làm
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tạo ra nhiều việc làm
Tại tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Cơ hội để kinh tế tư nhân bứt phá trong kỷ nguyên mới” do Báo NTNN/Dân việt tổ chức, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, dự án đường sắt tốc độ cao là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp xây dựng và tạo ra nhiều việc làm.
"Chúng tôi đánh giá khối lượng công việc xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam chiếm trên 50% đến gần 60% phần hạ tầng và các doanh nghiệp xây dựng hoàn toàn có thể đảm nhận được. Chúng tôi đã kiến nghị cơ chế tổng thể với Chính phủ và Bộ Xây dựng, hy vọng sẽ được nghiên cứu và xử lý trong thời gian tới", ông Hiệp nhận định.
Theo ông Hiệp, để doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả, cần giải quyết nhiều vấn đề. Đầu tiên là cơ chế xác định và phân chia gói thầu. Nếu làm đồng bộ từ trên xuống dưới theo phương thức tổng thầu, doanh nghiệp Việt Nam sẽ ít có cơ hội tham gia. Việc can thiệp vào quyền lợi của nhà thầu phụ cũng không phù hợp. Nếu làm theo các đoạn như vậy, phần hệ thống thông tin, tín hiệu và thiết bị chúng ta chưa đủ năng lực, gây khó khăn cho toàn bộ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Bên cạnh đó, cần cơ chế tạo động lực cho doanh nghiệp Việt Nam. Ví dụ như cơ chế chỉ định thầu có điều kiện, lựa chọn đơn vị dựa trên tiêu chí rõ ràng. Các doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng, giao thông đều kỳ vọng được tham gia, nhưng đến nay vẫn chưa rõ ràng. Do đó, cần có sự chuẩn bị rất lớn cho khối lượng công việc khổng lồ, bởi vậy, vấn đề nguồn nhân lực và đào tạo cũng rất cấp thiết.
"Hiện nay, ngành xây dựng đang thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Khoảng 75% là lao động phổ thông và thời vụ. Tuy nhiên, kinh tế phát triển, khu công nghiệp mọc lên khắp nơi, khiến lao động ở các tỉnh đồng bằng không còn mặn mà với công việc xa nhà. Tình trạng thiếu hụt lao động phổ thông và cả kỹ sư đang rất đáng lo ngại", ông Hiệp lo ngại.
Ông Hiệp cũng nhấn mạnh sự thiếu hụt nhân lực đối với các dự án trọng điểm. Trong ngành xây dựng, đặc thù là khoảng 75% lao động phổ thông và thời vụ. Tuy nhiên, do kinh tế phát triển, các khu công nghiệp thu hút lao động tại chỗ, khiến các tỉnh đồng bằng trước đây là nguồn cung chính, nay cũng thiếu hụt.
Người lao động có xu hướng làm việc gần nhà với mức lương ổn định hơn, tránh việc đi xa và các bất cập như đợt dịch COVID-19. Hiện nay, nhiều công trình xây dựng sử dụng lao động từ các dân tộc thiểu số, gây khó khăn trong giao tiếp và quản lý.
Hiện nay, các tỉnh đồng bằng vốn là nguồn cung lao động xây dựng chính (ví dụ: Thanh Hóa, Nam Định, Hòa Bình, Hải Dương) đều có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất. Do đó, người lao động có xu hướng làm việc gần nhà với mức lương ổn định hơn, tránh việc đi xa và những bất cập như trong đợt dịch COVID-19.
"Đây là một vấn đề thực tế dẫn đến lo ngại về lực lượng lao động cho các công trình lớn như đường sắt tốc độ cao. Việc huy động đủ nhân lực là một thách thức lớn, cần được tính toán kỹ lưỡng bên cạnh việc phân chia gói thầu và tiêu chuẩn kỹ thuật. Điều đầu tiên mà các doanh nghiệp xây dựng lớn quan tâm là liệu có đủ lao động để thực hiện dự án hay không", ông Hiệp nhấn mạnh.
Đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng là "trường học" áp dụng lên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam
Ông Tạ Mạnh Thắng, Phó ban Hợp tác QT và KHCN, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho biết, trong ngành đường sắt hiện hữu luôn cần phải nâng cấp, thường xuyên cập nhật công nghệ mới. Về công nghệ, tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đã áp dụng công nghệ mới từ Trung Quốc. Đối với đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam thì Tổng công ty đường sắt đã có kế hoạch đào tạo riêng cho “đại dự án” này.
Thứ nhất, trên nguồn nhân lực hiện hữu sẽ có kế hoạch nâng cấp, bồi dưỡng, cập nhật các kỹ thuật cũng như các yêu cầu riêng đối với đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

"Thứ hai, chúng tôi cũng có chương trình tuyển dụng mới. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là lực lượng duy tu, bảo trì, bảo dưỡng còn việc chuyển giao công nghệ, để xây dựng, đao tạo để sản xuất nhà máy toa xe, thông tin tín hiệu,… thì chưa được tính vào. Thời gian tới, các đơn vị tham gia sẽ có bổ sung lực lượng này. Tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng được chúng tôi cho là trường học để tiếp thu những bài học mới, công nghệ mới để áp dụng lên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam", ông Thắng nhấn mạnh.
Theo ông Thắng, Việt Nam đang có trường cao đẳng đường sắt và đang đề xuất nâng cấp lên học viện đường sắt. Với yêu cầu của Chính phủ, Bộ Xây dựng cần có liên danh, liên kết với các đơn vị bên ngoài thì hiện nay chúng ta đã có hợp đồng với Công ty Trường dạy nghề của Trung Quốc để đào tạo lực lượng này.
Tính tới thời điểm hiện tại, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đang có 2 đoàn đang theo học và đã có tín hiệu về công nghệ tốt. Đối với các công nghệ khác, đường sắt Việt Nam có truyền thống lâu dài với các đường sắt các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc. Mới đây, đã có nguồn vốn ODA từ Hàn Quốc với 300 nhân lực về quản lý giao thông đường sắt.
"Còn trong nước, đường sắt Việt Nam dưới sự chỉ đạo của Bộ Xây dựng chúng tôi có những hợp đồng mới MOU để có hợp đồng đào tạo tại Trường Giao thông Vận tải, Trường Bách Khoa,…", ông Thắng chia sẻ.
Ông Thắng cũng cho rằng, đối với đường sắt Việt Nam, nhiều công nghệ cần phải học hỏi nhưng quan trọng là cần ngoại ngữ để tiếp nhận công nghệ một cách chi tiết hơn như Tiếng Anh, Tiếng Trung,... đang là điều bắt buộc để lực lượng lao động Việt Nam có thể “thẩm thấu” công nghệ này.